Sáng 22/2, tại buổi làm việc lãnh đạo UBND TP.HCM về vấn đề tìm kiếm phương án tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong kinh doanh bất động sản hiện nay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra nhiều "kế sách" xử lý đối với phần đất thuộc Nhà nước quản lý, nằm xen kẹt trong các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp.
Theo HoREA, các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẹt các phần đất thuộc Nhà nước quản lý (đất rạch, đường, bờ đất…) thường có hình dáng bất định hình, nằm xen kẹt rải rác trong khu đất dự án. Tỷ lệ đất thuộc Nhà nước quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án.
Căn cứ pháp luật đất đai hiện hành, HoREA đề xuất những phương án gồm: Xác định "giá đất cụ thể" phù hợp giá thị trường, theo các phương pháp tính giá đất được quy định đề nghị UBND TP.HCM giao phần đất rạch, bờ đất… nằm xen cài rải rác trong dự án nhà ở, cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, mà không phải thực hiện đấu giá phần đất này...
Trong văn bản đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển, HoREA nhấn mạnh đề xuất phương án xử lý 158 dự án liên quan đến đất công.
Trong đó, có các dự án thuộc diện rà soát hoặc bị thu hồi quyết định tiền sử dụng đất; hoặc tạm dừng thực hiện quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của dự án; hoặc thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư, để rà soát lại về pháp lý.
HoREA nhấn mạnh, việc TP.HCM có 158 dự án có liên quan đất công, thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác. Song, thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 3/2019.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường. Nguyên nhân là trong quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.
Trước vướng mắc này, HoREA đề nghị UBND thành phố phối hợp với các cơ quan trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành… Từ đó được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.