Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

HoREA điểm mặt 10 'lỗ hổng' của luật đất đai làm giảm hiệu quả kinh tế

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, HoREA chỉ ra 10 "lỗ hổng" của hệ thống pháp luật đất đai làm giảm hiệu quả kinh tế đất – tài chính đất đai.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ ngành và lãnh đạo TP.HCM về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải quyết một số vấn đề kinh tế trong chính sách và pháp luật đất đai.

Trong đó, HoREA nêu ra 10 "lỗ hổng" của hệ thống pháp luật đất đai làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, dẫn đến khả năng làm thất thoát tài sản Nhà nước và giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản:

Thứ nhất: Chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất (không đúng đối tượng được chỉ định) mà không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi.​

Thứ hai: Bán chỉ định đất công cho nhà đầu tư với giá thấp so với giá thị trường mà không thông qua phương thức đấu giá công khai, không đúng quy định pháp luật.​

Thứ ba: Lỏng lẻo trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là doanh nghiệp có nhiều quỹ đất có giá trị cao, “đất vàng”.​

 10 "lỗ hổng" của hệ thống pháp luật đất đai đã làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, dẫn đến khả năng làm thất thoát tài sản Nhà nước và giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.

Thứ tư: Lỏng lẻo trong thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, nhất là doanh nghiệp có nhiều quỹ đất có giá trị cao, “đất vàng”.​

Thứ năm: Lỏng lẻo trong thực hiện xã hội hóa đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư, bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) để chỉ định nhà thầu không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi.

Việc này dẫn đến có những trường hợp nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án bất động sản có thể vừa được nhận thầu công trình theo giá tốt ở đầu “B” (Building - xây dựng công trình), vừa được nhận quỹ đất phát triển dự án bất động sản với lợi nhuận rất cao ở đầu “T” (Transfer - chuyển giao công trình và nhận lại quỹ đất đối ứng).

Ví dụ: Chương II và Chương III Nghị định 69/2019/NĐ-CP cho phép sử dụng quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT, thực chất là chỉ định chủ đầu tư “dự án khác”.​

Thứ sáu: Một số cơ quan, đơn vị đang sử dụng mặt bằng đất công đã thực hiện hợp tác đầu tư với doanh nghiệp tư nhân để phát triển dự án kinh doanh, dịch vụ, nhưng giá trị thương quyền của mặt bằng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định lại giá trị do đã chuyển đổi mục đích sử dụng.​

Thứ bảy: Một số cơ quan chính quyền cấp cơ sở đã không thống kê, báo cáo đầy đủ quỹ đất công trên địa bàn địa phương, nhất là các thửa đất nhỏ, hẹp, và tùy tiện cho phép khai thác sử dụng, kinh doanh; hoặc để đất công bị lấn chiếm, sử dụng trái phép. ​

Thứ tám: Có tình trạng cho thuê đất công với giá thấp so với giá thị trường, hoặc chuyển nhượng quỹ đất dự án của doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân với giá thấp hơn giá thị trường, không đúng quy chế quản trị doanh nghiệp.​

Thứ chín: Có tình trạng thỏa thuận ngầm giữa cán bộ nhà nước và doanh nghiệp để “cưa đôi, cưa ba” tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, dẫn đến thất thu ngân sách, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.​

Thứ mười: Quy trình, thủ tục hành chính về chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, xác định giá đất, thẩm định giá đất cụ thể của dự án, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), còn rất nhiêu khê và kéo dài, cũng dẫn đến làm thất thu ngân sách, làm giảm tính minh bạch, giảm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở trên thị trường bất động sản.

Thy Huệ

Tin mới