Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Condotel 'nóng', HoREA kiến nghị hàng loạt biện pháp quản lý

Theo HoREA, thị trường BĐS thời gian qua phát sinh “cơn sốt” đầu tư kinh doanh các dự án condotel với nhiều hệ lụy nên cần chấn chỉnh để phát triển bền vững.

Ngày 3/12, sau những lùm xùm xoay quanh dự án Cocobay Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để đề nghị sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho condotel.

Văn bản của HoREA ghi rõ, từ năm 2014 đến nay, nhiều chủ đầu tư dự án condotel thực hiện phương thức huy động vốn, bán condotel hình thành trong tương lai cho khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp.

Bên cạnh cam kết đảm bảo cho khách hàng mua condotel sẽ được cấp sổ không hình thành đơn vị ở, các chủ đầu tư cũng đưa ra những cam kết trả lợi nhuận rất cao, phổ biến từ 8 – 12%/năm. Thậm chí, có trường hợp lên đến 15%/năm, trong 8 – 12 năm.

Theo HoREA, thị trường BĐS thời gian qua phát sinh “cơn sốt” đầu tư kinh doanh các dự án condotel với nhiều hệ lụy nên cần chấn chỉnh để phát triển bền vững.

“Việc làm này là đẩy rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp, vì trong hợp đồng bán căn hộ codotel, các chủ đầu tư không đưa ra giải pháp để đảm bảo thực hiện đúng cam kết trả lợi nhuận cho khách hàng.

Tháng 8/2019, dự án condotel Bavico Nha Trang “vỡ trận” vì không thực hiện được cam kết trả lợi nhuận 15%/năm. Hay mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô, chủ đầu tư Dự án Cocobay Đà Nẵng cũng đã thông báo không tiếp tục thực hiện chi trả lợi nhuận 12%/năm cho khách hàng đã mua căn hộ du lịch (condotel).

Đây là cú sốc nặng và cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các chủ đầu tư, khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án codotel khác”, văn bản của HoREA ghi rõ.

Trước thực trạng này, HoREA cho rằng yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần phải sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng condotel phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp.

Về cơ chế sử dụng đất du lịch trong đất thương mại, dịch vụ theo quy định của Luật Đất đai, HoREA đề nghị xác định đất du lịch là một loại đất phi nông nghiệp riêng. Chỉ được sử dụng cho mục đích du lịch, không được tùy tiện biến thành đất ở để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực đó.

Do đất du lịch có liên quan mật thiết đến lợi ích công cộng, nhất là lợi ích cộng đồng dân cư địa phương nên HoREA đề nghị tiếp tục áp dụng chế độ sử dụng đất du lịch có thời hạn tối đa 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm, trong đó có đất du lịch dùng đề phát triển codotel.

Video: Bất động sản nghỉ dưỡng, món hời kèm nhiều rủi ro

Về quy chuẩn kỹ thuật đối với căn hộ condotel có liên quan Luật Du lịch và Luật Xây dựng, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Chính phủ quy định tiêu chuẩn thiết kế đối với 02 loại hình condotel là: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, trong đó có loại hình nhà chung cư có chức năng hỗn hợp, bao gồm condotel; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tòa nhà căn hộ du lịch trong khu du lịch nghỉ dưỡng, có 100% căn hộ condotel.

Đồng thời, HoREA cũng đề bị bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Dân sự vì việc huy động vốn bán căn hộ condotel hình thành trong tương lai, có liên quan đến hai bộ luật này. Đồng thời, đối với dự án condotel đa sở hữu, cần thiết phải có cơ chế quản lý vận hành và quyền ra quyết định phù hợp.

Đề nghị Bộ Xây dựng có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dự án condotel có trách nhiệm công bố đầy đủ thông tin về dự án, về quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp để tránh nhầm lẫn.

Yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel phải công bố các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết lợi nhuận theo hợp đồng mua bán căn hộ condotel; công bố minh bạch các chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý trong quá trình kinh doanh, các quyền lợi mà khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp được hưởng...

Thy Huệ

Tin mới