Khi nhắc đến các thiết kế sư nổi tiếng tạo nên ngành công nghiệp quốc phòng hiện đại của Liên Xô trong quá khứ, chúng ta thường nghĩ đến Mikhail Kalashnikov “AK-47”, Sergei Mosin “Mosin”, Artem Mikoyan và Mikhail Gurevich “MiG” hay Pavel Sukhoi “Sukhoi”… thế nhưng còn một cái tên khác nữa ít được nhắc đến đó là Mikhail Koshkin – “cha đẻ” của dòng xe tăng T-34 huyền thoại.
Cả cuộc đời Mikhail Koshkin gắn với việc chế tạo xe tăng và ông cũng chỉ thiết kế một đề án xe tăng duy nhất. Điều đáng tiếc là Mikhail Koshkin ra đi quá sớm để thấy được chiến thắng cuối cùng cũng như thời điểm “đứa con”của mình làm nên huyền thoại.
Mikhail Ilich Koshkin sinh ngày 03/12/1898 trong một gia đình nông dân ở làng Brynchagi, huyện Uglichski, tỉnh Iaroslav. Cha của Koshkin vừa làm ruộng vừa làm nghề thủ công. Năm Koshkin vừa 7 tuổi, cha ông qua đời trong một vụ tai nạn, để lại vợ và 3 đứa con nhỏ. Ông buộc phải đi làm sớm để giúp mẹ nuôi các em.
Năm 14 tuổi, Koshkin đến Moskva, làm người phụ việc trong xưởng caramen tại một nhà máy bánh ngọt, đến nay nhà máy này vẫn còn và mang tên “Krasny Okchiabr” (Tháng Mười Đỏ).
Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Koshkin gia nhập quân đội của Sa hoàng Nga. Khi nội chiến bắt đầu, cựu binh nhì của Trung đoàn bộ binh số 58 quân đội Sa hoàng gia nhập Hồng quân, chiến đấu tại Tsaritsyn (sau là Stalingrad và hiện nay là Volgagrad). Do có thành tích trong chiến đấu, người chiến sỹ Koshkin dũng cảm này được bổ nhiệm làm cán bộ chính trị.
Thiết kế sư Mikhail Koshkin (thứ 2 từ trái qua) khi còn trẻ. (Ảnh: Rostec)
Tuy nhiên sau nhiều lần bị thương và nhiễm thương hàn, Koshkin được điều về Moskva học tại trường Đại học Cộng sản Yakov Sverdlov. Năm 1924, sau khi tốt nghiệp, Koshkin được giao các nhiệm vụ lãnh đạo xí nghiệp bánh kẹo tại thành phố Vyatka (nay là Kirov). Ông làm việc ở đây đến năm 1929 trên các cương vị khác nhau và cưới vợ cũng tại đây.
Những năm 1920, ngành công nghiệp chế tạo xe tăng của Liên Xô gần như không có sản phẩm nào nổi bật. Số xe tăng Hồng quân thu được từ lực lượng Bạch vệ đều lạc hậu, còn những chiếc xe tăng tự sản xuất nhìn chung đều mang công nghệ từ Thế chiến thứ nhất.
Năm 1929, chính phủ Xô Viết quyết định cần phải thay đổi một cách căn bản tình trạng này. Không thể nào bảo đảm được an ninh cho đất nước nếu không có các xe tăng hiện đại.
Như người ta thường nói, yếu tố con người quyết định tất cả. Nếu chưa có những con người nòng cốt để tạo tiền đề cho ngành công nghiệp chế tạo xe tăng thì cần phải đào tạo. Và từ một lãnh đạo một xí nghiệp bánh kẹo Koshkin, lúc ấy đã ngoài 30 tuổi, được cử đến học tại Đại học Công nghệ quốc gia Leningrad (nay là Saint Petersburg) và ghi danh vào khoa cơ khí.
Dù phải bắt đầu từ con số 0 nhưng với nghị lực phi thường, ý chí quyết tâm cộng với tài năng bẩm sinh, “anh sinh viên” Koshkin đã đạt được những kết quả xuất sắc.
Lý thuyết không có thực hành là vô nghĩa. Ngay khi còn là sinh viên, Koshkin đã làm việc tại Phòng thiết kế của nhà máy Kirov ở Leningrad, nghiên cứu các mẫu tăng nước ngoài mà Liên Xô mua được. Ông cùng các đồng nghiệp không chỉ tìm kiếm cách thức cải tiến các phương tiện kỹ thuật đã có mà còn hình thành các ý tưởng chế tạo các loại tăng mới.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Koshkin làm việc 2 năm ở Leningrad và năng lực của ông ngày càng được bộc lộ. Ông nhanh chóng thăng tiến từ một thiết kế sư bình thường thành phó trưởng phòng thiết kế. Ở thời điểm đó Koshkin tham gia vào việc chế tạo tăng T-29 và mẫu thử nghiệm tăng T-111 và có những thành tích đáng kể trong nghiên cứu.
BT-7 - dòng xe tăng chủ lực của quân đội Liên Xô trong đầu những năm 1930.
Tháng 1/1937, Mikhail Koshkin được bổ nhiệm làm thiết kế sư trưởng Phòng thiết kế xe tăng 190. Quá trình tiếp nhận cương vị này của Koshkin diễn ra không mấy suôn sẻ khi cựu lãnh đạo Phòng 190 – Thiết kế sư trưởng Afanasy Firsov cùng nhiều thiết kế sư khác bị buộc tội phá hoại khi chuyển cho quân đội Liên Xô gần 700 xe tăng BT-7 hư hỏng. May mắn là Firsov đã kịp bàn giao công việc lại cho Koshkin.
Trên cương vị lãnh đạo Phòng 190, Koshkin bắt tay vào công việc không dễ dàng một chút nào. Số nhân sự của phòng thiết kế không nhiều trong khi nhiệm vụ vừa phải nghiên cứu chế tạo các mẫu mới vừa phải điều hành công tác sản xuất hàng loạt các mẫu đã có từ trước. Dù khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Koshkin, các xe tăng BT-7 đã được hiện đại hóa và thay động cơ khác.
Cuối năm 1937, Cục tăng thiết giáp-xe máy Hồng quân Liên Xô giao nhiệm vụ cho nhà máy chế tạo máy Kharkov nghiên cứu chế tạo loại xe tăng bánh xích- bánh lốp mới… Cũng tại nhà máy, ngoài Koshkin còn có một thiết kế sư trưởng tham gia chế tạo xe tăng là Adolf Dik. Dik cũng chính là người tạo ra nguyên mẫu xe tăng A-20 đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của Cục tăng thiết giáp khi đó.
Tuy nhiên do Đề án A-20 hoàn thành chậm tiến độ nên Dik cũng bị cáo buộc các tội như Firsov và cũng bị bắt giam.
Dù vậy Koshkin vẫn kịp tiếp thu những ý tưởng của cả Firsov và Dik, cả kinh nghiệm thế giới về chế tạo tăng. Bản thân Koshkin cũng có cách nhìn khác về xe tăng trong tương lai.
Từ kinh nghiệm của Firsov và Dik, ông hiểu rõ rằng sẽ không ai tha thứ cho ông nếu mắc sai lầm. Nhưng Koshkin không thỏa mãn với thiết kế xe tăng bánh xích - bánh lốp của Dik. Theo quan điểm của ông, kết cấu tăng bánh lốp tuy rất thích hợp khi cơ động trên đường, nhưng sẽ không phù hợp với một cuộc chiến thực sự.
Ví dụ như tăng tốc độ cao BT-7 có khả năng vượt chướng ngại vật rất tốt nhưng có lớp vỏ thép chỉ để chống lại các đầu đạn cỡ súng máy. Người Đức đã gọi chúng là “các ấm samovar tốc độ cao”. Do đó thứ Hồng quân cần là một mẫu xe tăng vận tốc chạy nhanh, có khả năng cơ động trong các điều kiện địa hình khác nhau, chịu được đạn pháo và rất mạnh về hỏa lực.
Từ thiết kế nguyên mẫu xe tăng A-20, Koshkin và các thiết kế sư Phòng 109 tạo ra mẫu xe tăng bánh xích A-32. Cùng làm việc với Koshkin có các đồng nghiệp như Aleksandr Morozov, Nikolai Kucherenko và kỹ sư thiết kế động cơ Iu.Maksarev.
Các mẫu xe tăng A-20 và A-32 đều được giới thiệu tại Tại Hội nghị quân sự cao cấp ở Moskva. Lúc đầu, các quan chức Liên Xô không mặn mà với các đề án này. Nhưng đích thân Iosif Stalin - nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó đã can thiệp cho phép nhà máy Kharkov chế tạo và thử nghiệm các mẫu đó.
Ở thời điểm đó Koshkin và các đồng nghiệp hiểu rằng chiến tranh đã đến rất gần, cần phải chế tạo tăng càng nhanh càng tốt. Các mẫu đầu tiên được đưa vào thử nghiệm mùa thu năm 1939, khi Thế chiến thứ 2 đã bắt đầu. Tất cả các chuyên gia đều công nhận cả A-20 và A-32 đều tốt hơn các mẫu khác trước đó được sản xuất tại Liên Xô. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Các mẫu trên được đưa vào thử nghiệm trong điều kiện tác chiến thật- thời gian cuộc chiến Xô Viết- Phần Lan năm 1939-1940. Phiên bản tăng bánh xích của Koshkin tỏ ra nổi trội hơn so với các mẫu khác. Qua thử nghiệm thực tế, Koshkin cũng đã hoàn thiện chiếc xe tăng đồng thời tăng lớp giáp bảo vệ của xe lên 45 mm và lắp pháo chính 76 mm.
Hai mẫu xe tăng sau hoàn thiện của A-32 lúc này đã có tên chính thức là T-34, được hoàn thành vào đầu năm 1940. Thứ duy nhất chiếc xe tăng này còn thiếu là một sắc lệnh đưa vào sản xuất hàng loạt.
Việc thử nghiệm tại các đơn vị được tiến hành tháng 2/1940. Nhưng để sản xuất hàng loạt, tăng cần phải chạy thử một số km nhất định.
Xe tăng trước chiến tranh do Nhà máy số 183 sản xuất. Từ trái sang phải: BT-7M, A-20 , T-34 model 1940 với pháo L-11 , T-34 model 1941 với pháo F-34 .
Trong lịch sử chế tạo tăng của Liên Xô và Nga ngày nay, đây là một cuộc chạy thử huyền thoại. Trước đó, Koshkin đã bị cảm nặng và xe tăng không phải là chỗ thích hợp cho một người ốm, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết mùa đông. Nhưng không ai có thể thuyết phục được ông - hai chiếc xe tăng do ông chỉ huy vượt các làng mạc, thảo nguyên và các cánh rừng từ Kharkov hướng về Moskva.
Các chuyên gia quân sự nói rằng hai chiếc xe tăng sẽ không đến được Moskva, chúng sẽ bị hỏng hóc giữa đường và Koshkin sẽ buộc phải đưa các “đứa con” của mình đến Moskva bằng tàu hỏa. Nhưng ngày 17/3/1940, cả 2 chiếc tăng T-34 đã đến được thủ đô và được giới thiệu trước toàn bộ ban lãnh đạo cao cấp Liên Xô. Nhà lãnh đạo Stalin rất hài lòng, nói “T-34 là con chim én đầu tiên của lực lượng tăng- thiết giáp chúng ta”.
Có vẻ như mọi việc đã kết thúc, xe tăng T-34 được công nhận và đã đến lúc Koshkin chăm lo cho sức khỏe của chính mình. Ban lãnh đạo Xô Viết cũng đặc biệt quan tâm đến sức khỏe đã rất kém vì chứng ho của Koshin.
Tuy nhiên, để có thể sản xuất hàng loạt, T-34 cần phải chạy thử nghiệm thêm 3.000 km nữa. Vị thiết kế sư trưởng lại lên xe tăng đi về hướng Kharkov bất chấp ốm yếu.
Trên đường quay về Kharkov, khi đến gần thành phố Orel, một chiếc tăng bị sa xuống hồ và Koshkin đã chỉ huy việc kéo chiếc tăng này lên. Việc ngâm chân trong nước lạnh cóng càng khiến bệnh tình của ông thêm trầm trọng.
Nhưng đổi lại, Mikhail Koshkin đã thực hiện được tất cả mọi yêu cầu để tăng T-34 được đưa vào sản xuất hàng loạt. Còn Koshkin được chẩn đoán bị viêm phổi nặng.
Bệnh tình của Koshkin khi đó không quá nghiêm trọng nhưng do ông lại lao ngay vào công việc suốt ngày đêm ở nhà máy chỉ đạo việc sản xuất T-34 nên bệnh chuyển biến xấu. Để cứu Koshkin, chính phủ Liên Xô đã cử các bác sỹ giỏi từ Moskva đến chăm sóc cho ông. Sau khi cắt phổi, ông được đưa đi an dưỡng. Nhưng tất cả đã muộn - ngày 26/9/1940, Koshkin qua đời ở tuổi 41.
Hình ảnh chiếc xe tăng T-34 model 1940 hoàn thành chặng đường thử nghiệm từ Kharkov đến Moskva với đích đến là điện Kremlin được nhắc đến trong bộ phim "Xe tăng".
Cuộc đời của Koshkin ngắn ngủi chỉ vừa đủ để tạo ra một chiếc xe duy nhất nhưng ông đã dành toàn bộ mọi trí tuệ, tâm huyết và thậm chí cả mạng sống mình cho nó. Cho dù tên tuổi của Koshkin không nổi tiếng, không nhiều người biết về ông nhưng cả thế giới đều biết đến T-34 - chiếc xe tăng được coi là tốt nhất trong Thế chiến thứ 2. Tên tuổi của chiếc xe tăng này gắn liền với hai từ “chiến thắng” của quân và dân Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Ngày 10/4/1942, Mikhail Koshkin được truy tặng giải thưởng Stalin cho những đóng góp của ông trong đề án phát triển xe tăng T-34. Nửa thế kỷ sau đó, năm 1990, tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev đã ký truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa cho Koshkin.
Một số chuyên gia thường so sánh tính năng kỹ thuật của T-34 với các loại xe tăng khác trong Thế Chiến thứ 2 và chứng minh rằng T-34 của Koshkin kém nhiều loại trong số đó. Nhưng giáo sư Norman Davis của Trường đại học tổng hợp Oxford, tác giả cuốn “Châu Âu trong chiến tranh 1939-1945: Không hề có chiến thắng dễ dàng” đã đặt câu hỏi: Ai vào năm 1939 có thể nghĩ rằng chiếc xe tăng tốt nhất của chiến tranh thế giới thứ hai lại được sản xuất ở Liên Xô?
T-34 là xe tăng tốt nhất không phải vì nó mạnh nhất và nặng nhất nếu theo tiêu chí đó thì xe tăng Đức vượt trội. Nhưng T-34 hiệu quả nhất trong cuộc chiến đó và cho phép giải quyết các nhiệm vụ chiến thuật. Hàng ngàn chiếc xe tăng của Hồng quân Liên Xô cơ động như “bầy sói” săn đuổi những chiếc Tiger và Panther cồng kềnh và khó xoay sở của Đức. Các xe tăng của Mỹ và Anh sẽ không có được hiệu quả như vậy khi đối đầu với các xe tăng Đức.