Theo Russia Beyond, T-34 là mẫu xe tăng tốt nhất của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ 2. Nó được trang bị một khẩu pháo mạnh mẽ, hệ thống giáp bảo vệ tốt cũng như khả năng cơ động, điều này giúp T-34 gần như không có đối thủ trên chiến trường cho đến năm 1942.
Sau 1942, quân Đức bắt đầu nắm được cách vô hiệu hóa T-34 và khắc chế nó bằng các mẫu xe tăng hạng trung mới nhưng họ vẫn dành cho cỗ xe tăng Liên Xô sự ngưỡng mộ nhất định.
Cụ thể, khi nhắc đến T-34, Đại tá Johannes Friesner, Tư lệnh Cụm quân miền Nam Ukraine của quân Đức đã nhận xét rằng: “T-34 là mẫu xe tăng đáng tin cậy, có thể hoạt động trên mọi địa hình.”
“Xe tăng Nga có thể hoạt động ở những địa hình mà chúng tôi từng nghĩ là không thể. Hỏa lực của T-34 cũng rất ấn tượng. Đối với bộ binh Liên Xô, nó vừa đóng vai trò như một phương tiện chiến đấu bọc thép hỗ trợ hỏa lực vừa có thể làm nhiệm vụ bảo vệ phòng tuyến”, Friesner đánh giá.
Quân Đức với một chiếc T-34/76 chiếm được từ tay Liên Xô trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. (Ảnh: Russia Beyond)
Do đó, không quá ngạc nhiên khi phát xít Đức luôn tìm cách “bắt sống” những chiếc T-34 từ tay hồng quân. Với những chiếc xe tăng bị bắt, quân Đức đã thành lập cả một tiểu đoàn thiết giáp và đơn vị này từng giành được nhiều chiến công ngay trên đất Nga. Không hề nói quá khi cho rằng T-34 có thời điểm đã trở thành những “con át chủ bài” thực sự đối với lực lượng thiết giáp Đức.
Phục vụ quân đội Đức
Hầu hết những chiếc T-34 bị quân Đức “bắt sống” trong giai đoạn đầu cuộc chiến đều là biến thể T-34/76 (con số 76 ở đây muốn nói đến pháo 76mm nó được trang bị). Chiếc T-34 đầu tiên được biên chế cho quân đội Đức là vào mùa hè năm 1941 với mã hiệu là Pz.Kpfw. T-34-747 (r), trong đó mã “r” là đề cập đến xuất xứ của xe tăng - nước Nga, còn “Pz.Kpfw” hay Panzerkampfwagen có nghĩa là “phương tiện chiến đấu bọc thép”.
Theo thống kê đã có khoảng 300 chiếc T-34 với nhiều biến thể khác nhau đã phục vụ trong quân đội Đức trong suốt Thế chiến thứ 2.
Những chiếc T-34 chiến lợi phẩm sau khi quân đội Đức tái biên chế được trang bị thêm thiết bị liên lạc vô tuyến và kính ngắm quang học do Đức chế tạo. Một số còn được lắp thêm phần vòm quan sát (giống như trên những chiếc xe tăng Panzer) cho phép trưởng xe tăng tầm nhìn.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt đạn dược và linh kiện thay thế khiến quân Đức khó duy trì toàn bộ số xe tăng này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Một số chiếc T-34 bị tháo gỡ hoàn toàn để cung cấp linh kiện cho những chiếc khác. Những quả đạn pháo thường được gỡ từ những chiếc T-34 của Liên Xô đã bị phá hủy, có khi ngay giữa trận chiến.
Một chiếc T-34/76 được phủ lên cờ của quân Đức trên nóc xe để phân biệt với xe tăng của Liên Xô. (Ảnh: Russia Beyond)
Để tránh trường hợp những chiếc Pz.Kpfw. T-34 dính hỏa lực bởi chính pháo binh và không quân Đức, một chữ vạn lớn – biểu tượng của phát xít Đức, đã được sơn lên thân và tháp pháo của xe. Tuy nhiên, giữa chiến trường, các đơn vị pháo binh Đức thường không nhận ra biểu tượng này và có khi nhả đạn vào những chiếc xe tăng do Liên Xô sản xuất.
Bên cạnh đó, những chiếc T-34 không chỉ được quân Đức sử dụng như một chiếc xe tăng đơn thuần, một số còn được hoán cải thành phương tiện cứu kéo hoặc pháo phòng không tự hành. Để trở thành một tổ hợp phòng không tự hành, tháp pháo T-34 được tháo dỡ và thay thế bằng một tháp xoay đặc biệt có mui mở, với súng phòng không 20mm Flakvierling 38. Những chiếc T-34 bị hư hỏng nặng thì được lắp đặt trên các đoàn tàu bọc thép để làm bệ pháo.
Trong tay lực lượng vũ trang SS
Dù nghe khó tin nhưng Schutzstaffel - SS (nhánh vũ trang của đảng Quốc xã Đức) là lực lượng sử dụng xe tăng T-34 chiến lợi phẩm từ Liên Xô nhiều nhất, trong đó phải nói đến Sư đoàn Thiết giáp số 2 Das Reich. Sau khi chiếm lại được Kharkov (Ukraine) vào ngày 18/3/1943, khoảng 50 chiếc T-34 đang chờ sửa chữa của hồng quân Liên Xô đã rơi vào tay SS.
Quân Đức với một chiếc T-34/76 ở Mặt trận phía Đông. (Ảnh: Russia Beyond)
Sử dụng cơ sở sẵn có của Nhà máy chế tạo Máy kéo Kharkov, SS đã phục hồi vài chục xe tăng và thành lập một đại đội riêng biệt trực thuộc Sư đoàn Das Reich. Đây cũng là đơn vị được biên chế nhiều T-34 nhấy của quân đội Đức trong Thế chiến thứ 2.
Theo đó, đại đội này được biên chế ít nhất 25 chiếc T-34 (nhiều biến thể), ngoài ra 12 chiếc khác cũng được gửi về trường Kinschlag SS Panzer-Grenadier, nơi các sĩ quan xe tăng của quân Đức.
Các xe tăng T-34 của Đức thậm chí còn tham gia trận vòng cung Kursk vào mùa hè năm 1943. Do những chiếc T-34/76 lúc này đã lỗi thời nên chúng không được sử dụng trong việc phát động các cuộc tấn công mà trở thành vũ khí chống tăng, chủ yếu khai hỏa từ các vị trí phòng thủ để giảm thiểu rủi ro cho quân Đức.
T-34/85 trong tay quân Đức, chỉ có một số ít biến thể này được sử dụng trong chiến đấu. (Ảnh: Russia Beyond)
Trong số các đại đội xe tăng Đức sử dụng T-34, nổi bật nhất có thể kể đến Joseph Naber, trung đội trưởng thuộc Đại đội số 9 thuộc Sư đoàn Das Reich và trưởng xe Emil Seibold cùng đơn vị. Emil Seibold trở thành lính tăng đẳng cấp cao nhất trong Thế chiến thứ 2 với thành tích 69 lần hạ đối phương, trong đó hàng chục lần sử dụng xe tăng T-34.
Sau trận Kursk, quân Đức dần cho loại biên xe tăng T-34/76. Tuy nhiên, một số chiếc vẫn được dùng để phòng thủ Berlin tháng 5/1945.
Năm 1944, Hồng quân Liên Xô đưa vào trang bị biến thể T-34/85 hiện đại hơn, trang bị pháo chính 85mm. Đức cũng thu giữ được vài chục chiếc T-34/85 nhưng chỉ vài xe tăng được sử dụng để ngăn chặn đà tiến công của hồng quân Liên Xô trong giai đoạn cuối của cuộc chiến.