Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

T-34 - Di sản Liên Xô thay đổi lịch sử xe tăng thế giới

(VTC News) -

Những chiếc xe tăng T-34 không chỉ là biểu tượng chiến thắng trong Thế chiến 2 mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến sự ra đời của những chiếc xe tăng sau này.

Tháng 6/1941, quân đội của Adolf Hitler tràn vào Liên Xô trong Chiến dịch Barbarossa, mở đầu cho cuộc xâm lược lớn nhất trong lịch sử. Hồng quân rơi vào thế bất ngờ và bị động, thiếu chuẩn bị và bị choáng váng trước một cuộc chiến tranh chớp nhoáng thần tốc.

Nhưng không phải mọi thứ đều diễn ra theo tính toán của người Đức. Lực lượng Đức Quốc xã đã bị bất ngờ trước một chiếc xe tăng mới của Liên Xô, đó là T-34.

Xe tăng của ta đã bắn trúng một chiếc T-34, một lần ở khoảng cách 20 m và bốn lần ở cự ly 50 m mà không có bất kỳ tác động nào đáng chú ý”, một sĩ quan Đức viết.

T-34 dường như “bất tử” trước những vũ khí của Đức và nó có thể tiêu diệt xe tăng Đức một cách dễ dàng. Chỉ huy Panzer, Tướng Heinz Guderian đã nhìn thấy những tổn thất nặng nề do T-34 gây ra và nhận ra rằng đó là một yếu tố thay đổi “cuộc chơi”: T-34 vượt xa những chiếc Panzer III và IV của quân đội Đức.

Guderian viết, “Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã có ưu thế về xe tăng, nhưng bây giờ tình thế đã đảo ngược. Triển vọng về những chiến thắng nhanh chóng, đang mờ dần”.

Hơn 80 năm đã trôi qua, T-34 đã trở thành một biểu tượng của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau về chiếc xe tăng này.

Xe tăng T-34.

Một thiết kế sáng tạo

Nhiều năm trước khi Chiến dịch Barbarossa nổ ra, xe tăng T-26 của Liên Xô đã dễ dàng vượt qua xe tăng Đức và Ý trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Nhưng chiếc xe này có một số điểm yếu không thể chấp nhận được. Vấn đề lớn là T-26 rất dễ dàng bị phá hủy bởi vũ khí chống tăng hạng nhẹ và thậm chí cả vũ khí tự chế, như bom cháy “cocktail Molotov”.

Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Voroshilov viết vào năm 1937: “Những chiếc xe tăng này chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất nặng nề”.

Để khắc phục những hạn chế này, các nhà hoạch định của Hồng quân đã đưa ra các thông số kỹ thuật cho một loại xe tăng hạng trung nặng 26 tấn mới, một loại xe có khả năng cơ động nhanh nhưng cũng được bảo vệ tốt hơn nhiều. Nó cũng sẽ được trang bị một khẩu pháo lớn hơn T-26, giúp cho xe tăng có khả năng tấn công các công sự cũng như xe tăng của đối phương hiệu quả hơn.

Đây là một khái niệm mang tính cách mạng. Trước đây, xe tăng có lớp bảo vệ tốt thì thường chậm chạp và không cơ động, trong khi xe tăng nhỏ có tốc độ nhanh nhưng rất mỏng manh và dễ bị phá hủy.

Vì vậy việc kết hợp tốc độ, khả năng bảo vệ và hỏa lực vào một mẫu xe tăng là một thách thức lớn và đòi hỏi một thiết kế sáng tạo. Nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin đã ký lệnh bắt đầu sản xuất vào tháng 4/1940 và đến tháng 6 những chiếc T-34 đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất.

Khía cạnh nổi bật nhất về ngoại hình của T-34 là các bề mặt góc cạnh của nó. Thay vì có hình dáng như một hộp kim loại như các xe tăng trước đó, T-34 được thiết kế cẩn thận để tạo ra các mặt giáp nghiêng. Điều này có hai tác dụng, nó làm tăng độ dày của lớp giáp mà một quả đạn phải xuyên qua và khiến những quả đạn bắn tới có tỷ lệ trượt đi cao hơn và khó xuyên qua xe tăng hơn.

T-34 và bộ binh trên mặt trận.

Liên Xô cũng phát triển một loại thép mới cho áo giáp của T-34. Các nhà nghiên cứu tại Nhà máy Mariupol ở Ukraine đã dành nhiều năm để nghiên cứu hợp kim MZ-2 đặc biệt, kết hợp độ cứng với độ dẻo và khả năng nén giúp cho giáp của xe tăng bền hơn rất nhiều.

Một sĩ quan Đức cho biết: “Một khẩu đội pháo 37mm được xác định đã bắn 23 phát vào một xe tăng T-34, nhưng chỉ làm kẹt được vòng tháp pháo của nó”.

Trong khi các xe tăng khác cùng thời chỉ được trang bị pháo cỡ nòng 50 mm bắn đạn nặng 3kg, thì T-34 trang bị pháo có cỡ nòng tới 76 mm. Điều này giúp cho xe tăng có thể bắn một viên đạn xuyên giáp nặng hơn 6 kg và xuyên thủng lớp giáp thép dày 50 mm ở khoảng cách 1.000 m. T-34 cũng có thể bắn đạn nổ cao F-354 để đánh sập các tòa nhà hoặc boongke kiên cố.

Thời gian cuối của cuộc chiến, khi người Đức cho ra đời xe tăng mới như Tiger với khả năng bảo vệ ngày càng chắc chắn hơn, thì Liên Xô cũng trang bị cho T-34 một tháp pháo lớn hơn với một khẩu súng mạnh hơn, đó là ZiS-S-53 85 mm. Sự kết hợp này đã cho ra đời phiên bản T-34-85, chiếc xe tăng này hoạt động hiệu quả trong suốt cuộc chiến và tham gia nhiều cuộc chiến khác sau Thế chiến 2.

Sức mạnh của T-34

Ngoài vũ khí chính, T-34 còn trang bị hai súng máy, một ở thân xe và một đồng trục với súng lớn, để giải quyết bộ binh ở cự ly gần. Những chiếc T-34 sau này còn được bố trí vị trí bắn súng ngắn ở hai bên tháp pháo nếu giao tranh khoảng cách gần.

Khía cạnh quan trọng nữa là tính cơ động của xe tăng T-34, với động cơ V12 500 mã lực giúp cho xe có tốc độ tối đa ấn tượng là 54 km/h. Khả năng hoạt động trên phạm vi rộng là ưu điểm rất quan trọng của xe, đồng thời bản xích to giúp xe tăng giảm được áp lực khi di chuyển trên địa hình. Điều này cho phép T-34 đi qua bùn và tuyết, nơi các thiết giáp Đức sa lầy, đây là một lợi thế quan trọng trong mùa mưa bùn vào mùa xuân và mùa thu ở Nga.

Xe tăng T-34-85.

T-34 được thiết kế như một phương tiện chi phí thấp để sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Vào thời điểm Đức xâm lược, Liên Xô có khoảng 1.000 chiếc xe tăng T-34 và trong suốt cuộc chiến có thêm hàng ngàn chiếc xe ra đời.

Một binh sĩ Đức ở tiền tuyến đã phải thốt lên: "Trước mặt tôi xuất hiện mười lăm, rồi ba mươi, rồi bốn mươi xe tăng. Cuối cùng, không thể đếm xuể".

T-34 là phương tiện chủ lực của Hồng quân trong Trận chiến Kursk hoành tráng năm 1943, trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử từng xảy ra. Trong trận chiến này, Hồng quân chịu thương vong nặng nề, nhưng họ đã đánh bại và phá vỡ thế trận của quân Đức.

Tướng Đức Von Kleist gọi T-34 là "chiếc xe tăng tốt nhất trên thế giới" và đề nghị Đức nên sao chép nó thay vì tự thiết kế. Tuy nhiên ý tưởng đó bị loại bỏ. Nhưng ý tưởng về lớp giáp nghiêng của T-34 vẫn được kế thừa để sản xuất ra chiếc xe tăng tiếp theo của Đức, chiếc Panther.

“Chúng tôi không có gì để so sánh”, Tướng von Mellenthin viết về cuộc tấn công thất bại vào Moskva năm 1941, “Chúng (T-34) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cứu thủ đô nước Nga”.

Những thiếu sót của T-34

Mặc dù T-34 đã dành chiến thắng trong chiến tranh, nhưng nó vẫn có những sai sót nghiêm trọng. Tháp pháo nhỏ chỉ có thể cho phép một thành viên kíp lái hoạt động nên chỉ huy xe tăng phải kiêm luôn xạ thủ, hạn chế nghiêm trọng khả năng nhận biết tình huống trong chiến đấu.

Kíp xe tăng T-34.

Việc thiếu giảm xóc khiến xe di chuyển khó khăn trên địa hình gồ ghề và động cơ hoạt động cực kỳ ồn ào khiến việc lái xe kéo dài rất mệt mỏi.

Tệ hơn nữa từ góc độ chiến đấu, người chỉ huy và người lái xe gặp khó khăn khi nhìn ra bên ngoài xe tăng. Một thiết giáp Đức sẽ dễ dàng nhìn thấy và khai hỏa trước khi chiếc T-34 nhìn thấy họ. Hầu hết những chiếc T-34 đời đầu đều thiếu thiết bị liên lạc vô tuyến, vì vậy những chiếc xe tăng này liên lạc bằng cờ hiệu hoặc chỉ đi theo người dẫn đầu.

Hộp số cũng thường xuyên gặp sự cố khiến việc chuyển số trở nên khó khăn và người lái xe luôn phải mang theo một chiếc búa tạ để phòng khi nó bị kẹt. Một số chuyên gia còn đánh giá kỹ thuật sản xuất T-34 kém hơn so với các xe tăng khác cùng thời và khiến cho chiếc xe này gặp nhiều vấn đề về máy móc. 

Sự cố thường xuyên xảy ra trên chiến trường và một số đơn vị thậm chí còn phải mang theo hộp số dự phòng vì chúng thường xuyên bị hỏng. Các đường ray xích xe được làm bằng kim loại nhẹ và thường bị hỏng hoặc hao mòn, khiến cho những kíp xe thường phải bỏ xe tăng lại trên đường.

Một số chuyên gia phương Tây cho rằng, chiếc xe tăng “mơ ước” của các tướng lĩnh Liên Xô có thể là một cái bẫy chết người đối với binh lính của họ. Những chiếc T-34 đời đầu chỉ có một cửa sập trên tháp pháo, rất nặng và khó mở. Nếu chiếc xe tăng bị bắn trúng, kíp lái xe khó có thể thoát ra ngoài trước khi nó phát nổ. 

Chiếc cửa sập nặng nề này sau đó được thay thế bằng một cặp cửa sập nhẹ hơn vào năm 1942, giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của những người lính lái xe.

Lớp giáp bảo vệ cũng không tuyệt vời. Một nghiên cứu luyện kim của quân đội Mỹ cho thấy lớp giáp của T-34 có độ cứng cao nhưng lại giòn, khiến nó dễ bị tổn thương trước các loại súng mạnh hơn mà Đức chế tạo vào cuối cuộc chiến. Nếu bị va đập đủ mạnh, kim loại có xu hướng vỡ vụn, nghĩa là một phát đạn có thể khiến những mảnh vụn kim loại từ giáp xe văng với tốc độ cao gây nguy hiểm tới kíp lại xe.

Một nghiên cứu khác của quân đội Mỹ về T-34 đã kết luận rằng chất lượng và vật liệu chế tạo tổng thể kém và đánh giá nó kém hơn so với xe tăng Mỹ về mức độ dễ lái, khả năng cơ động, độ tin cậy và khả năng bảo trì.

T-34 diễu binh trên Quảng trường Đỏ.

Một di sản lâu dài

Kể từ Thế chiến 2, nhiều nhà bình luận ở phương Tây đã phân tích về T-34, một số người thì coi đó là chiếc xe tăng được đánh giá cao nhất trong cuộc chiến, nhưng cũng có nhiều ý kiến chỉ ra rằng hiệu suất hoạt động của T-34 thực sự không tốt.

Tuy nhiên, thực tế là Hồng quân đã giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Mặt trận phía Đông, phần lớn nhờ vào số lượng xe tăng khổng lồ của họ. Một số lượng đáng kinh ngạc những chiếc T-34 đã được chế tạo trong suốt vòng đời của nó, tổng cộng có hơn 84.000 chiếc, lớn hơn rất nhiều so với chỉ 1.347 chiếc Tiger nổi tiếng của Đức và 48.000 chiếc Sherman - loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất của Mỹ.

Các kíp lái xe tăng của Hồng quân bị đánh giá là được huấn luyện kém và thiếu kinh nghiệm so với các kíp lái xe tăng của Đức. Điều này đã khiến Liên Xô mất nhiều xe tăng hơn so với Đức, nhưng T-34 đã chiến thắng trong cuộc chiến vì Liên Xô có thể tạo ra lượng xe tăng rất lớn bù đắp cho những tổn thất, nhờ thiết kế đơn giản, thiết thực của T-34.

Mặc dù vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng với công nghệ cũng như kỹ thuật vào thời điểm đó, T-34 thực sự là một vũ khí hiệu quả cả về khả năng chiến đấu, chi phí sản xuất và khả năng bảo dưỡng, sửa chữa. Không chỉ góp công lớn cho chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước Đức Quốc xã mà nó còn là cơ sở để những thiết kế xe tăng sau này hiệu quả hơn.

Lê Hưng (Nguồn: Popular Mechanics)

Tin mới