Tàu sân bay Anadolu được xem là soái hạm mới của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và là tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay của nước này được đưa vào hoạt động. Trên tàu có cả máy bay trực thăng và máy bay không người lái. Đáng chú ý là những chiếc UAV được thiết kế cho các nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp.
Con tàu đa mục đích
Tàu sân bay Anadolu được chế tạo dựa trên tàu tấn công đổ bộ lớp Juan Carlos I của Tây Ban Nha. Con tàu nặng 27.000 tấn, dài 220m, cao 55m, boong tàu có sàn đáp đủ dài cho các loại máy bay hoạt động trên không và tàu còn có sàn cho các loại tàu đổ bộ, đồng thời con tàu có thể vận chuyển hàng trăm lính thủy đánh bộ từ Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến Thổ Nhĩ Kỳ. Khả năng tác chiến của con tàu này được đánh giá là gần giống với tàu tấn công đổ bộ lớp America của Hải quân Mỹ.
Một điều mà Anadolu có trong khi lớp America không có là đường dốc trượt tuyết dùng cho máy bay cất cánh, thiết kế này được giữ lại theo phiên bản tàu sân bay Juan Carlos của Tây Ban Nha cho nhiệm vụ hỗ trợ các phi đội máy bay phản lực cất cánh.
Tàu sân bay Juan Carlos của Tây Ban Nha.
Đường dốc trượt tuyết là một giải pháp thay thế cho máy phóng trên các tàu sân bay của Mỹ và Pháp, giúp chúng tạo lực nâng để cất cánh. Thổ Nhĩ Kỳ không có loại máy bay phản lực Harrier như của Tây Ban Nha hoặc các máy bay khác đủ điều kiện sử dụng như F-35 Lightning II của Mỹ, nhưng họ vẫn giữ điểm thiết kế đặc biệt này.
Cái tên quen thuộc
Tại buổi lễ chào mừng con tàu chính thức được đưa vào hoạt động hôm 10/4, Thổ Nhĩ Kỳ đã trưng bày 4 loại máy bay trên sàn đáp của tàu Anadolu. Hai trong số đó là các máy bay có người lái bao gồm một cặp trực thăng tấn công AH-1W Cobra và hai trực thăng S-70 Seahawk.
Hai chiếc máy bay không người lái (UAV) gồm Bakyar TB-3, còn được gọi là Bayraktar và UAV tàng hình mới - Kizilenma có biệt danh “Quả táo đỏ”.
Máy bay không người lái TB-2 Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ là mặt hàng xuất khẩu phổ biến của nước này và được bán cho gần 20 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Ukraine.
Tàu sân bay TCG Anadolu.
Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái TB-2 Bayraktar rất hiệu quả trong thời gian đầu của cuộc xung đột với Nga. Chiếc máy bay này giúp định vị mục tiêu cho pháo binh và thả bom dẫn đường chính xác vào các mục tiêu của Nga. Phiên bản TB-3 được giới thiệu lần này về cơ bản giống với TB-2, nhưng được tối ưu hóa cho khả năng hoạt động trên tàu sân bay.
Sự kết hợp tuyệt vời
Theo Overt Defense, Anadolu có thể vận hành nhiều loại máy bay trực thăng hoặc máy bay không người lái, cùng với thủy quân lục chiến và tàu đổ bộ. Tuy nhiên, con tàu có thể mang tới 30 chiếc Bayraktar TB-2 hoặc TB-3.
Điều này sẽ khiến Anadolu trở thành tàu sân bay hoàn toàn sử dụng máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới, một khả năng mà hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng có thể đi vào hoạt động từ giữa thập kỉ này.
Theo các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay không người lái rẻ hơn đáng kể và dễ bảo trì hơn so với máy bay có người lái, khiến việc triển khai và vận hành lực lượng không quân trở nên dễ dàng hơn nhiều. Bên cạnh đó, sẽ giảm thiểu được việc đào tạo phi công và hạn chế được sự nguy hiểm của con người trong các hoạt động chiến đấu.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫy tay chào từ sàn đáp của Anadolu, với máy bay không người lái TB-3 Bayraktar phía trước và máy bay không người lái Red Apple phía sau.
Trong trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu một con tàu sân bay hiện đại và nhiều loại máy bay không người lái tiên tiến đã được chứng minh trong chiến đấu. Ý tưởng kết hợp cả hai để tạo ra một tàu sân bay không người lái là rất thú vị.
Mặc dù Anadolu không thể so sánh với khả năng của những chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của hải quân Mỹ, nhưng nó vẫn cung cấp khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và tấn công chính xác ở bất cứ nơi nào mà con tàu có thể di chuyển tới.
Ý tưởng của tương lai
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tiên phong cho các lực lượng hải quân của các quốc gia trung bình khác trên toàn thế giới thấy rằng, sức mạnh không quân hải quân vẫn có thể được tối ưu trong điều kiện ngân sách eo hẹp.
Hình ảnh minh họa tàu sân bay Anadolu và máy bay không người lái trong tương lai.
Mặc dù khả năng vận hành tàu sân bay Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều điểm cần phải hoàn thiện cho đến năm 2025, nhưng một hướng đi mới đã được chỉ ra và các lực lượng hải quân khu vực khác như Nhật Bản, Brazil, Australia, Ấn Độ cùng các nước khác có thể sẽ làm theo.
Một số chuyên gia dự báo, thế giới trong những năm 2050 có thể sẽ có nhiều tàu sân bay hơn đáng kể so với thời điểm hiện tại, nhưng sẽ không có sự xuất hiện của những phi công trên những con tàu này.
Với con tàu sân bay mới và chiến lược sử dụng máy bay không người lái này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiết kiệm được nguồn ngân sách nhưng vẫn phát huy được hiệu quả sức mạnh quân sự trong khu vực. Điều này có thể được xem là một chiến lược mới cho hải quân các nước trên thế giới trong tương lai.