Bộ Quốc phòng Đức ngày 13/4 thông báo nước này đã chấp thuận yêu cầu của Ba Lan về việc chuyển 5 máy bay chiến đấu MiG-29 để hỗ trợ Lực lượng Không quân Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết yêu cầu được chấp thuận. Bộ Quốc phòng Ba Lan thể hiện quyết tâm cao trong việc chuyển giao những thiết bị thời Liên Xô cho Ukraine.
Sự chấp thuận của Đức được đưa ra gần một tháng sau khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda công bố kế hoạch gửi hàng chục máy bay chiến đấu MiG-29 cũ tới Ukraine. Đây là một tin vui lớn cho Ukraine, quốc gia đang vận động hành lang để mua MiG-29 từ các đồng minh NATO như Ba Lan, Slovakia và Bulgaria, những nước vẫn vận hành máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô.
Ba Lan đã mua máy bay chiến đấu MiG-29 từ Cộng hòa Séc và Đức (do Đông Đức trước đây thuộc khối Warsaw vận hành).
MiG-29 của Ba Lan.
Sau đó Ba Lan đã mua những chiếc F-16C/D từ Mỹ, tuy nhiên những chiếc MiG-29 vẫn được sử dụng trong biên chế của không quân. Nhưng Ba Lan dự kiến loại biên hoàn toàn những chiếc máy bay cũ này. Ngoài ra, vào năm 2020, Ba Lan đã ký một thỏa thuận với Mỹ mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tiên tiến F-35 Lightning II.
Những chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 của Liên Xô từng gầm rú trên bầu trời nước Đức và thách thức sức mạnh của NATO, trớ trêu thay hiện tại lại đang trên đường đến Ukraine để chiến đấu chống lại Nga.
Khi Tổng thống Ba Lan Duda thông báo sẽ gửi các máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine, ông tuyên bố rõ ràng rằng các máy bay phản lực từng được mua từ Berlin sẽ được chuyển tiếp tới Kiev. Những máy bay chiến đấu này được mua từ Đức vào năm 2002 và đã phục vụ tốt trong Không quân Ba Lan.
Tuy nhiên, một câu chuyện thú vị hơn là làm thế nào những máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất của Liên Xô lại có trong biên chế của Đức - một đồng minh quan trọng của NATO.
MiG-29 của Liên Xô.
Làm thế nào mà Đức sở hữu những chiếc MiG-29 Fulcrum?
Đức được chia thành bốn khu vực sau Thế chiến 2 vì quân Đồng minh muốn kiểm soát quốc gia này. Cuối cùng, khi những rạn nứt giữa phương Tây và khối các nước xã hội chủ nghĩa trở nên trầm trọng, nước Đức đã bị chia cắt thành Tây Đức, do phương Tây kiểm soát và Đông Đức do Liên Xô kiểm soát.
Phía Tây hình thành nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức và phía Đông Đức là nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, hai quốc gia này bị chia cắt bởi Bức tường Berlin. Họ trở thành biểu tượng nổi tiếng nhất của sự cạnh tranh trong Chiến tranh Lạnh giữa khối Xã hội chủ nghĩa và phương Tây.
Năm 1988, Cộng hòa Dân chủ Đức trở thành quốc gia đầu tiên thuộc Hiệp ước Warsaw nhận MiG-29 Fulcrums của Liên Xô, chỉ một năm trước khi những biến động lớn xảy ra ở quốc gia này và các quốc gia cộng sản khác ở Đông Âu.
Tổng cộng có 20 chiếc MiG-29A và 4 chiếc MiG-29UB đã được giao cho Cộng hòa Dân chủ Đức từ tháng 3/1988 đến tháng 5/1989, chúng được chuyển tới căn cứ Không quân Preschen ở phía Đông của nước Đức, gần biên giới Ba Lan.
Những chiếc MiG-29, được biết đến là một trong những máy bay tiên tiến nhất vào thời điểm đó, chúng đã phục vụ trong Không quân Cộng hòa Dân chủ Đức cho đến khi nước Đức thống nhất.
Vào tháng 10/1990, một hiệp ước thống nhất được quốc hội hai nước Đức phê chuẩn có hiệu lực và quá trình thống nhất nước Đức đã hoàn tất. Điều này đồng nghĩa với việc các tài sản quân sự của Cộng hòa Dân chủ Đức sẽ nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Đức.
MiG-29G của Không quân Đức.
Số phận của những chiếc MiG-29
Không quân Đức Luftwaffe đã nhanh chóng tiếp nhận những chiếc MiG-29 Fulcrum của Liên Xô. Sau đó những chiếc máy bay này được tích hợp các hệ thống tương thích với vũ khí NATO và được triển khai tại căn cứ Không quân Laage Fliegerhorst vùng Đông Bắc nước Đức.
Tất cả những chiếc MiG-29 của Đức cập nhật hệ thống thông tin liên lạc và các thiết bị điện tử mới, các thiết bị buồng lái bằng tiếng Anh được thay thế để sử dụng cho phù hợp với tiêu chuẩn NATO. Các máy bay phản lực sửa đổi được đặt tên không chính thức là MiG-29G và MiG-29GT.
Không quân Đức và các thành viên NATO khác sớm phát hiện ra rằng máy bay chiến đấu MiG-29 vượt trội hơn so với các máy bay chiến đấu khi đó của NATO trong nhiều lĩnh vực.
Ví dụ, khả năng chiến đấu ấn tượng và khả năng cơ động, đặc biệt là ở độ cao thấp, hay kính ngắm vũ khí gắn trên mũ bảo hiểm của phi công (HMS), một hệ thống mà Không quân và Hải quân Mỹ cho đến năm 2003 mới bắt đầu đưa vào sử dụng.
Đức từng có ý định mua thêm MiG-29 từ Nga để tăng cường phi đội của mình. Tuy nhiên, sự ra đời của dự án Eurofighter EF2000 cuối cùng đã quyết định số phận của những chiếc MiG-29.
Vì vậy, vào khoảng những năm 2000, Đức đã bán lại những chiếc máy bay chiến đấu này cho Ba Lan. Warsaw đã chấp nhận lời đề nghị vào thời điểm đó, mua 22 máy bay MiG-29 với giá tượng trưng 1 Euro mỗi chiếc, bao gồm cả 4 chiếc MiG-29UB.
Giờ đây, Lực lượng Không quân Ba Lan đang chú ý đến việc hiện đại hóa quân đội và loại bỏ các thiết bị cũ của Liên Xô, việc chuyển giao MiG-29 cho Ukraine là một yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, vì các máy bay chiến đấu ban đầu thuộc về Đức nên bắt buộc phải có sự chấp thuận của nước này, giống như việc chuyển giao xe tăng Leopard-2 trước đó.