Theo SCMP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo Lực lượng tên lửa của nước này đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn mô phỏng vào sáng 25/9. Tên lửa hạ cánh chính xác xuống vùng biển đã định trước trên Thái Bình Dương.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
"Vụ phóng tên lửa này là một hoạt động thường kỳ trong chương trình huấn luyện quân sự hàng năm của Lực lượng tên lửa. Hoạt động nhằm mục đích kiểm tra hiệu suất của vũ khí, thiết bị và trình độ huấn luyện của quân đội", Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ, đồng thời khẳng định vụ việc không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào.
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã thông báo trước cho các nước liên quan, cho biết vụ phóng "đạt được mục đích mong đợi" nhưng không nêu rõ đường đi của tên lửa hoặc địa điểm chính xác mà tên lửa rơi xuống vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương.
Lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc là đơn vị giám sát tên lửa thông thường và hạt nhân của nước này, được giao nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân để ứng phó với các chương trình phát triển như khả năng phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vượt quá khả năng răn đe tối thiểu đáng tin cậy. Bắc Kinh khẳng định họ tuân thủ chính sách "không sử dụng vũ khí trước".
Theo ước tính của Lầu Năm Góc trong báo cáo năm 2023, Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân hoạt động trong kho vũ khí của mình, trong đó khoảng 350 ICBM. Số đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga lần lượt là 1.770 và 1.710.
Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc có thể sẽ sở hữu hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030, đồng thời nhiều vũ khí của Bắc Kinh khả năng sẽ được duy trì ở mức độ sẵn sàng cao hơn.
Một ICBM thường có tầm bắn lớn hơn 5.500 km và được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.
ICBM mới nhất của Trung Quốc được biết đến là DF-41, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2017 và có tầm bắn lên tới 12.000 - 15.000 km, đủ khả năng vươn tới lục địa Mỹ.