Sổ tiết kiệm có thể đứng tên một người hoặc nhiều người (khi gửi tiết kiệm chung). Khi rút tiền tiết kiệm, người có tên trên sổ phải tự mình thực hiện thủ tục rút tiền hoặc qua người đại diện, thông qua uỷ quyền hoặc phân chia di sản thừa kế.
Khi sổ tiết kiệm đứng tên chồng sẽ có hai trường hợp sau:
Sổ tiết kiệm là tài sản chung của hai vợ chồng
Nếu số tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản chung của hai vợ chồng thì khi muốn rút tiền trong sổ này, người vợ cần phải chứng minh được đây là tài sản chung.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản chung vợ chồng là tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, được thừa kế, tặng cho chung hoặc tài sản mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
(Ảnh minh họa)
Để rút được tiền trong sổ tiết kiệm, vợ phải cung cấp các giấy tờ chứng minh tài sản chung như văn bản thỏa thuận sổ tiết kiệm là tài sản chung có công chứng.
Tuy nhiên, dù chứng minh được là tài sản chung thì người vợ cũng chỉ được rút tối đa 50% số tiền tiết kiệm trong sổ. Để rút toàn bộ, người vợ phải được chồng ủy quyền hoặc cả hai vợ chồng cùng đến ngân hàng rút tiền.
Sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng
Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, tài sản riêng của vợ hoặc của chồng là tài sản có trước khi kết hôn, có được do thừa kế riêng, tặng cho riêng, do phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân... Tài sản riêng của người nào sẽ thuộc quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt của riêng người đó.
Do đó, nếu sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng thì vợ không có quyền được rút số tiền trong sổ tiết kiệm này.
Vợ muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng, chỉ được thực hiện trong hai trường hợp sau:
- Chồng ủy quyền cho vợ đến ngân hàng để thực hiện giao dịch rút tiền trong sổ tiết kiệm đứng tên chồng. Trong trường hợp này, người vợ phải cung cấp các hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN để được rút tiền tiết kiệm. Các giấy tờ bao gồm: sổ tiết kiệm, giấy tờ chứng minh nhân thân của người đứng tên trên sổ tiết kiệm (CMND/CCCD/hộ chiếu...) và của người được uỷ quyền rút tiền trong sổ tiết kiệm, và giấy uỷ quyền.
Lưu ý, người vợ chỉ được rút số tiền tương ứng nêu tại giấy ủy quyền của chồng.
- Rút tiền theo hình thức thừa kế: Ngoài trường hợp ủy quyền, người vợ có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng khi người chồng qua đời, để lại di chúc hoặc không để lại di chúc và số tiền tiết kiệm là di sản chồng để lại được chia theo quy định.
Với trường hợp này, những người đồng thừa kế sẽ lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc có Bản án của Toà án về giải quyết tranh chấp di sản thừa kế.
Vợ và những người đồng thừa kế cần cung cấp các giấy tờ cho ngân hàng để thực hiện thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm gồm: sổ tiết kiệm, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án về phân chia di sản thừa kế, giấy chứng tử của chồng, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân với chồng (đã mất).