Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

NSND Trọng Đài: Bỏ xét tặng NSND, NSƯT là thiệt thòi lớn cho các nhạc sĩ

(VTC News) -

“Theo tôi, vẫn nên có danh xưng xứng đáng cho các nhạc sĩ", NSND Trọng Đài nói, theo ông, việc bỏ xét tặng cho nhạc sĩ là thiệt thòi lớn so với nghệ sĩ biểu diễn.

Theo Điều 64 của Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV, đối tượng được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Như vậy, so với quy định hiện hành, Dự án Luật (sửa đổi) đã bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi danh sách được xét tặng.

Điều này nhận được sự quan tâm không nhỏ của giới làm nghệ thuật cũng như nảy sinh cãi về việc nên giữ hay bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên trong danh sách xét tặng NSND, NSƯT.

Nghệ sĩ Kim Đức được trao tặng danh hiệu NSND. (Ảnh: Hòa Nguyễn)

Danh hiệu gắn với hoạt động biểu diễn

Từ trước đến nay, danh hiệu NSND, NSƯT luôn gắn liền với hoạt động biểu diễn. Để đạt được danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ sĩ cần phải đáp ứng một số tiêu chí cụ thể. Ví dụ: nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật liên tục hoặc cộng dồn theo số năm nhất định (20 năm với NSND và 15 năm với NSƯT) và có được một số giải thưởng Vàng, Bạc (quy đổi phù hợp với từng danh hiệu) tại các giải thưởng chuyên nghiệp, các Hội diễn toàn quốc... Ngoài ra có một số ngoại lệ cho các nghệ sĩ cao tuổi, có nhiều cống hiến, tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của địa phương và cả nước, giảng viên các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật... dù không đủ giải thưởng vẫn có thể được xét tặng danh hiệu.

Do vậy, các nhạc sĩ, những người sáng tác ca khúc, từ trước đến nay đều không nằm trong danh sách xét tặng danh hiệu này do họ không phải là nghệ sĩ biểu diễn, không tham gia các Hội diễn nghệ thuật để có huy chương làm hồ sơ xét tặng danh hiệu.

Nếu muốn lấy danh hiệu, các nhạc sĩ thường tham gia vào một đoàn nghệ thuật và làm ở những vị trí khác nhau như nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc... Lấy ví dụ như nhạc sĩ Hồ Hoài Anh được xét tặng danh xưng NSƯT với tư cách nghệ sĩ solo đàn bầu chứ không phải nhạc sĩ sáng tác. NSND Trọng Đài xét danh hiệu là đạo diễn, chỉ huy, chỉ đạo nghệ thuật các chương trình.

Ngược lại, nhiều nhạc sĩ, như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, dù có rất nhiều sáng tác nổi tiếng, đóng góp rất lớn cho nền nghệ thuật nước nhà nhưng đến nay cũng không được xét tặng NSƯT, NSND. Bởi vậy, việc loại bỏ nhạc sĩ ra khỏi danh sách xét tặng NSƯT, NSND có phần hợp lý.

Theo hệ thống giải thưởng hiện hành, hàng năm giới nhạc sĩ, sáng tác đã có giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đồng tình với việc bỏ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với nhạc sĩ: “Vì nhạc sĩ không tham gia biểu diễn, nếu ai tham gia biểu diễn thì xét ở lĩnh vực họ biểu diễn”.

NSND Trọng Đài

Tuy vậy, nhạc sĩ, NSND Trọng Đài lại cho rằng, việc bỏ xét tặng cho nhạc sĩ là một sự thiệt thòi lớn so với các nghệ sĩ biểu diễn. Giải thưởng Nhà nước hay Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng xét tặng cho tác phẩm/cụm tác phẩm chứ không phải danh hiệu đánh giá xứng đáng quá trình lao động nghệ thuật và cống hiến của các nhạc sĩ.

“Theo tôi, vẫn nên có một danh xưng xứng đáng cho các nhạc sĩ. Song, có thể chi tiết hóa nội dung, quy định cụ thể với nhạc sĩ, như thế nào, giải thưởng ra sao sẽ nhận được danh hiệu NSƯT, NSND”.

Nhạc sĩ Giáng Son cũng đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Trọng Đài và đề xuất: “Theo tôi, không nên bỏ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với nhạc sĩ mà có thể chuyển thành Nhạc sĩ Nhân dân, Nhạc sĩ Ưu tú hoặc một danh hiệu nào tương đương, nếu không sẽ rất thiệt thòi cho giới nhạc sĩ sáng tác”.

Nhạc sĩ Dương Cầm nêu ra ý kiến: “Thực tế, ở Việt Nam vẫn chưa có sự phân định rạch ròi như nào là nhạc sĩ, bởi vậy nên xét giải thưởng rất khó. Ví dụ như có nhạc sĩ phối khí (arranger), nhạc sĩ sáng tác bài hát (song writer), nhạc sĩ soạn nhạc (composer)... Tôi nghĩ rằng, phải làm rõ thì mới có hệ thống xét giải phù hợp được.

Theo quan điểm của tôi, giải thưởng Nhà nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh vẫn chưa cởi mở với đối tượng tác giả trẻ, có nhiều cống hiến ở thời điểm hiện hành. Ví dụ như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, không chỉ sáng tác ca khúc, anh còn sáng tác giao hưởng, được nhiều dàn nhạc trên thế giới chơi tác phẩm của mình, anh cũng đi lưu diễn nhiều nơi, có cống hiến lớn cho nghệ thuật nước nhà... dù vậy anh vẫn chưa nhận được giải thưởng hay sự tôn vinh xứng đáng nào.

Phải đến 80% người nhận giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh là thế hệ nhạc sĩ tên tuổi, đã khuất. Ở mỗi thời điểm nên có sự ghi nhận khác nhau để tôn vinh được sự cống hiến của các nhạc sĩ, chứ không nên chỉ tập trung vào nghệ sĩ biểu diễn”.

Phát thanh viên là ngành nghề đặc thù

Với phát thanh viên, trên thực tế trong nhiều năm trở lại đây, rất ít phát thanh viên nhận được danh hiệu NSND, NSƯT với vai trò phát thanh viên. Thế hệ phát thanh viên trước đây có nhiều cống hiến thiết thực cho sự nghiệp phát thanh – truyền hình.

Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, gian khổ trong thời chiến tranh, xây dựng xã hội chủ nghĩa, những phát thanh viên là “chiến binh” trên mặt trận thông tin, cung cấp và truyền tải thông tin kịp thời về mọi mặt chiến sự, cuộc sống đến với người dân. Rất nhiều phát thanh viên đã ghi dấu trong lòng công chúng và được danh xưng là giọng đọc huyền thoại như NSND Tuyết Mai, NSƯT Kim Cúc, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Hà Phương... Danh xưng NSND, NSƯT với họ là sự ghi nhận xứng đáng cho những hy sinh gian khổ, những cống hiến không biết mệt mỏi của phát thanh viên.

Ở thời hiện đại, phát thanh viên không chỉ là “kỹ sư giọng nói” mà còn kiêm luôn vị trí phóng viên, biên tập viên, thực hiện công tác liên quan đến lĩnh vực báo chí nhiều hơn. Do vậy, dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng, phát thanh viên không thuộc lĩnh vực nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, cũng không có cuộc thi, cơ cấu giải thưởng phù hợp để xét tặng danh hiệu, thì việc loại ra khỏi danh sách cũng là điều xác đáng.

NSƯT Kim Cúc, phát thanh viên kỳ cựu, gắn liền với nhiều chương trình của VOV.

Song, nhìn trên một khía cạnh khác thì việc xóa xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là một sự thiệt thòi rất lớn với những phát thanh viên vẫn đang cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.

NSƯT Kim Cúc chia sẻ: “Phát thanh viên không chỉ có đọc bản tin, thời sự mà còn hoạt động rất năng nổ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Rất nhiều chuyên mục đặc thù như bình phim tài liệu, đọc truyện đêm khuya, bình thơ, thuyết minh phim truyện... đều có sự góp sức của phát thanh viên. Với mỗi dạng, phát thanh viên cần trau chuốt kỹ năng nói, biểu cảm bằng giọng nói khác nhau để thực sự hóa thân vào câu chuyện, vào nhân vật.

Nếu nói, các diễn viên cần học hành, luyện tập gian khổ để diễn xuất trên sân khấu, thì phát thanh viên cũng phải vất vả tương tự để thể hiện bằng giọng nói trên sóng phát thanh, truyền hình. Phát thanh viên là một nghề rất đặc thù, biểu diễn theo cách đặc thù. Bởi vậy, theo tôi không nên xóa phát thanh viên khỏi danh sách xét tặng NSND, NSƯT mà cần có cơ chế phù hợp”.

Cũng theo NSƯT Kim Cúc, cơ chế phù hợp cũng là cách để khích lệ cho các phát thanh viên – những người vẫn đang miệt mài thổi hồn cho các tác phẩm, cống hiến cho nền văn học nghệ thuật một cách thầm lặng phía sau cánh sóng.

Thanh Vân (Vov.vn)

Tin mới