(VTC News) - Ở nhà, Trọng Đài là đàn ông bình dị, dí dỏm và yêu con vô cùng. Thế nhưng, thoát ra cái không gian ấy, "một nửa" đáng yêu của ca sĩ Mai Hoa lại là một tay chịu chơi trong âm nhạc. Anh có thể vác hết tiền nhà để phục vụ cuộc chơi của mình.
Cho đến ngày hôm nay, chặng đường âm nhạc của Mai Hoa và Trọng Đài đã ghi chung một dấu ấn. Họ đã có những tác phẩm chung, những tác phẩm mà Mai Hoa đóng đinh là ca sĩ thể hiện còn Trọng Đài là nhạc sĩ sáng tác. Đặc biệt là những sáng tác nhạc phim đã được Mai Hoa tập hợp thành một CD ra đời cách đây không lâu mang tên Đất và người. Và mới nhất là chương trình Con đường âm nhạc được truyền hình trực tiếp trên VTV3 tối qua 19/12. Tại chương trình này, Trọng Đài đã giới thiệu những tình khúc và những ca khúc nhạc phim nổi tiếng qua các giọng ca Mỹ Linh, Đức Tuấn, 5 Dòng kẻ, Đăng Dương. Mai Hoa ngoài hát những tình khúc của chồng sẽ thể hiện những ca khúc tiền chiến, một mảng âm nhạc đã làm nên tên tuổi chị. Chị tâm sự rằng hát nhạc tiền chiến giống như hơi thở của mình, không cần cố gắng, không cần kiễng chân, hát bằng tình yêu những dòng thơ của thời xưa cũ, những giai âm đầy thi vị. Đây cũng là thời điểm "cô trưởng thôn" được yêu mến này ra mắt DVD Tiếng dương cầm gồm những ca khúc thuộc dòng nhạc này.
Hình ảnh Mai Hoa trong album Tiếng dương cầm |
- Chị có cho rằng vì có Trọng Đài nên mới có tên chị xuất hiện như một nhân vật chính của chương trình Con đường âm nhạc?
- Tôi lại không nghĩ thế. Trong chương trình, tôi vẫn hiểu rằng phần của anh Trọng Đài là chủ đạo. Kịch bản chương trình do nhóm sản xuất chương trình làm cùng với chồng tôi và có sự góp ý nhỏ của tôi. Tất cả mọi người đều hiểu con đường âm nhạc của tôi so với anh Trọng Đài quá ngắn. Thế nhưng, cũng phải hiểu rằng, ở chặng đường âm nhạc từ tthời điểm tôi xuất hiện trong cuộc đời anh Đài trở về đây, có sự gắn bó, đóng góp rất lớn của tôi. Và vì thế, vì sự gắn bó đó mà chúng tôi thực sự đã có một con đường âm nhạc chung, tôn nhau lên.
- Bản thân chị là ca sĩ nổi bật của dòng tiền chiến trước khi gặp gỡ âm nhạc của Trọng Đài, chị thích âm nhạc nào hơn?
- Âm nhạc tiền chiến là thứ tôi thích, tôi yêu nên khi hát những bản nhạc ấy tôi không cần nỗ lực cho chính bản thân. Tôi hát như hơi thở của mình. Tôi yêu những lời thơ, nét nhạc của thời xa xưa ấy. Tôi hát thật thanh thản dù bài hát có quặn đau nên khi tôi hát khác hẳn với những người khác hát. Còn nhạc của anh Trọng Đài thì lại khác, nhạc phim phải lột tả được bộ phim ấy, nhạc là cô đọng tinh thần của phim. Người ca sĩ hát ca khúc phải tải được cảm xúc đến người nghe. Điều này khiến cho ca sĩ có cảm giác đang gánh vác một sức nặng để có một thành công thực sự.
- Hát nhạc của Trọng Đài, có lúc nào chị cảm thấy mình phải "kiễng chân"?
- Có. Đã nhiều lần tôi có cảm giác như vậy. Nhạc của anh Trọng Đài không phải là dễ hát. Có những bài hát thể hiện một thời gian, nghe một thời gian mới thấy hay như ca khúc trong phim Ngõ lỗ thủng là Tiễn biệt những ngày buồn. Lúc đầu, tôi cũng thấy khó hát vô cùng. Nhưng tôi cũng tự hào thường thì những ca khúc tôi hát (hay mọi người nghe quen giọng của tôi) được công chúng đón nhận. Có người nhảy vào cuộc, hát những ca khúc ấy rồi lại bị bật ra. Có lẽ, người nghe đã ngấm màu giọng của tôi rồi.
- Chị muốn hát những tình khúc vang bóng một cách nhẹ nhàng, gần gũi. Thế nhưng, khán giả thì luôn đòi hỏi sự mới mẻ. Album mới của chị liệu có đáp ứng nhu cầu ấy?
- Toàn bộ album của tôi là những tình khúc khá quen thuộc với người nghe như: Dư âm, Thu quyến rũ, Lệ đá, Hoài cảm… được phối khí hoàn toàn mới. Nhưng cái mới của tôi cũng không khiến ai giật mình. Cái mới nó mới với tôi, đầu tư bằng dàn nhạc sống giao hưởng. Khi tôi đã ổn định, tôi cũng muốn đầu tư tốt nhất cho sản phẩm âm nhạc của mình. Khán giả của tôi đa số là lớp người trung niên nhưng không phải không có những người trẻ. Để chinh phục thêm một vài đối tượng nào nữa thì không. Tôi chỉ có vậy thôi, ai yêu thêm được thì yêu.
Con đường của tôi thường xuyên bị ngắt quãng
Ở đời sống, Mai Hoa thích một cuộc đời bình dị, an toàn và mơ ước xây dựng được nền tảng vững chắc cho con cái và bảo hiểm tốt hơn cho gia đình mình. Là nghệ sỹ nhưng Mai Hoa lại không thích chốn đông người búa xua. Chị thích những khoảng lặng cho riêng mình, ngại va đập, ngại luôn cả việc ra đường người ta nhận ra mình và chỉ trỏ bình luận. Hai vợ chồng làm nhạc cũng oách ở Việt Nam, nhưng có lẽ việc muốn một đời sống bình dị, hạnh phúc đã khiến cho họ không giàu. Nói như Mai Hoa thì “người làm nhạc như anh Đài cũng thế, làm nhạc bao nhiêu năm vẫn sống trong ngôi nhà nằm sâu trong ngõ, ngoắt nghéo, đi mãi mới tới nơi”.
- Chị là mẫu phụ nữ an toàn, nhưng nghệ thuật luôn cần những bứt phá. Chị có cho rằng mình đang có những hạn chế?
- Đúng là tôi an toàn. Người theo nghề sẽ thấy tôi nhận được rất nhiều lời mời làm ca sĩ độc quyền, khi lấy chồng rồi vẫn thế. Tôi cũng có giọng hát, hình thức, chiều cao. Tôi không có khuyết điểm gì lắm, đủ điều kiện để bứt phá lên hàng ca sĩ đầu nhưng mọi người thấy mãi mãi cho đến tận bây giờ tôi vẫn bình bình. Tôi biết, làm âm nhạc phải quên nhiều thứ, dành thời gian cho âm nhạc, đánh bóng tên tuổi nhưng tôi lại chia hết cả ra. Tiền đầu tư vào âm nhạc không được nhiều. Thời gian cần đẩy tiếp tên tuổi lên thì tôi dừng sinh con. Con đường của tôi bị ngắt quãng. Nhưng sự ngắt quãng đó có chủ đích và tôi được đền đáp bằng những giá trị khác.
- Chị và nhạc sỹ Trọng Đài đều là nghệ sỹ, đều có cái tôi lớn, chắc sẽ hay tranh luận?
- Nhà tôi nếu cần tranh luận thì sẽ tranh luận tới cùng để tìm ra giải pháp. (Trọng Đài đi cùng vợ nói đế vào một cách hóm hỉnh: Hay cãi lắm, cãi thôi rồi). Nếu về trình độ, tôi chỉ là một học trò của anh Đài, chỉ đưa ra ý kiến như một đứa học trò để tranh luận. Nếu thầy cảm thấy ổn thì thay đổi. Nếu thầy không đồng ý thì thôi, lại theo ý chồng. Phụ nữ nhường chồng cũng là chuyện bình thường, dễ hiểu.