Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là con trai vua Tịnh Phạn (Suddhodana), người đứng đầu tiểu quốc Thích Ca (Shakya) mà kinh đô là thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Tuy nhiên, ngài không ra đời tại kinh thành quê hương mà đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Vậy nơi Phật ra đời nằm ở quốc gia nào hiện nay?
Đức Phật là thái tử của vua Tịnh Phạn, người đứng đầu vương quốc Thích Ca (Shakya) nằm ở vùng biên giới Ấn Độ - Nepal ngày nay. Shakya là tiểu quốc chịu ảnh hưởng của nước Kosala - một trong 16 vương quốc lớn nhất trong hàng trăm tiểu quốc trên địa phận bán đảo Ấn Độ thời cổ đại.
Hoàng hậu Ma Da (Maya), vợ vua Tịnh Phạn, cũng là em họ của ông. Theo truyền thuyết, họ lấy nhau 20 năm vẫn chưa có con. Vào một đêm trăng tròn, hoàng hậu nằm mơ được 4 thiên thần chở đến hồ Anotatta bên dãy Himalaya. Bà tắm trong hồ này và được các thiên thần mặc cho bộ quần áo của cõi trời, xức dầu thơm, trang điểm bằng những bông hoa tuyệt đẹp.
Sau đó, một con voi trắng (biểu tượng thiêng liêng đối với người Ấn Độ cổ đại) dùng vòi nâng bông hoa sen trắng xuất hiện, đi vòng quanh hoàng hậu 3 lần rồi đi vào bụng bà và biến mất. Sau đêm đó, hoàng hậu mang thai. Cũng có truyền thuyết nói rằng bà giẫm phải dấu chân voi và thụ thai.
Tranh vẽ sự ra đời của Đức Phật tại vườn Lâm Tỳ Ni.
Gần đến ngày sinh, theo phong tục, hoàng hậu trở về quê nhà ở tiểu quốc Koliya để sinh nở. Khi đi đến vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni của vua Thiện Giác (Suppabuddha) xứ Koliya, bà cho đoàn dừng lại nghỉ ngơi.
Khi hoàng hậu đi dạo quanh vườn, cơn đau chuyển dạ nổi lên và bà sinh Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) tại đây trong lúc đang đứng vịn vào một cành sala. Truyền thuyết kể rằng đứa trẻ bước ra từ bên hông phải của người mẹ. Tương truyền, ngay khi vừa chào đời, hoàng tử đã đi 7 bước, mỗi bước có một đóa sen nâng đỡ dưới chân. Đến bước thứ bảy, ngài dừng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, tuyên bố: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Vậy vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật ra đời thuộc quốc gia nào hiện nay? Nơi này thuộc quận Rupandehi trên lãnh thổ Nepal, nằm dưới chân dãy Himalaya, cách Kapilavatthu khoảng 25km và cách biên giới Ấn Độ khoảng 36km. Nơi đây còn có những chứng tích quan trọng của một trung tâm hành hương Phật giáo từ đầu thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên như di vật khảo cổ của các ngôi chùa, tháp chùa.
Vườn Lâm Tỳ Ni - nơi Đức Phật ra đời. (Ảnh: Vietravel)
Năm 1997, vườn Lâm Tỳ Ni được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Chính phủ Nepal cũng có kế hoạch phát triển Lâm Tỳ Ni thành một thành phố hòa bình của thế giới và là trung tâm học tập Phật giáo.
Vườn Lâm Tỳ Ni rộng hơn 2,5km2, chào đón du khách bằng bức tượng Thái tử Tất Đạt Đa lúc mới chào đời. Trung tâm của khu vườn là đền thờ Hoàng hậu Ma Da ở bên cạnh trụ đá. Trụ đá này do một vị vua mộ đạo dựng lên từ trước Công nguyên để tưởng nhớ đức Phật.
Ngày nay, vườn Lâm Tỳ Ni thu hút hàng triệu Phật tử về chiêm bái mỗi năm.
Theo kinh sách, có lần, tại thành Xá Vệ (Sàvatthi), nhiều vị tăng hỏi Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, Người đã đi qua bao nhiêu kiếp sống?". Đức Phật không đưa ra con số cụ thể: "Rất nhiều, này các tỳ kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, hay một vài trăm ngàn kiếp".
"Ví dụ như ở đây có bốn vị đệ tử, mỗi người đều sống đến một trăm năm. Cứ mỗi ngày họ nhớ đến trăm ngàn kiếp. Nhiều như vậy, này các tỳ kheo, là những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp" - Đức Phật nhấn mạnh, cho biết số kiếp mà mỗi người đã đi qua nhiều đến nỗi "đủ để các ông nhàm chán, đủ để các ông từ bỏ, đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành".
Phật cho biết luân hồi như bánh xe quay tròn không ngừng nghỉ. Hết một kiếp sống, chúng sinh sẽ tái sinh sang một kiếp khác, tùy nghiệp quả mà đi vào một trong 6 đường luân hồi: Cõi trời, cõi người, cõi a tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Con người còn tham ái là còn bị chìm đắm trong vòng luân hồi; nếu giảm bớt tham, sân, si thì sẽ được tái sinh vào cõi tốt đẹp hơn và ngược lại.
Về các kiếp sống quá khứ của Đức Phật trước khi chứng đạo, các bài giảng của ngài nhiều lần cho thấy, bản thân Đức Phật từng là cái cây, cũng từng mang thân động vật nhưng dù mang thân gì thì ngài luôn sống từ bi hỷ xả. Những kiếp sinh ở cõi người, ngài đều mang tâm bồ tát, lập đại nguyện tìm con đường cứu khổ chúng sinh. Các vị Bồ tát ở kiếp sống cuối cùng cuối cùng trước khi thành Phật đều sinh ở cõi người. Kiếp cuối cùng của đức Phật là thái tử Tất Đạt Đa của vương quốc Thích Ca.