Đức A Nan Đà là anh em con chú con bác với Đức Phật. Ông xuất gia năm 18 tuổi và trở thành thị giả thân cận của Phật. Là người có trí nhớ phi phàm, vị tôn giả này nhớ hết những lời Phật dạy trong mấy chục năm truyền đạo, vì vậy mà có vai trò cực kỳ to lớn trong lần kết tập kinh tạng lần thứ nhất, giúp tăng chúng ghi nhớ và truyền lại cho đời sau. Tôn giả A Nan Đà cũng là người nhiều lần thuyết phục Đức Phật cho phép nữ giới được xuất gia tu hành, mà vị ni sư đầu tiên chính là kế mẫu của Phật.
Kinh sách kể rằng, một đêm vào khoảng canh ba, đức A Nan Đà đang ngồi một mình trong tịnh thất thì một ngạ quỷ (quỷ đói) thuộc loại diệm khẩu (miệng lửa) hiện lên. Con quỷ này trông rất gớm guốc, thân thể khô héo, gầy quắt, mặt cháy đen, móng dài nanh nhọn, cái cổ họng dài và nhỏ như trôn kim, miệng nhả ra lửa. Khi bước vào tịnh thất, quỷ nói với A Nan Đà rằng: "Sau ba ngày nữa, mạng sống của thầy sẽ hết, lập tức thác sinh làm ngạ quỷ".
Tranh vẽ tôn giả A Nan Đà gặp quỷ diệm khẩu.
Rất sợ hãi, A Nan Đà hỏi quỷ liệu có cách nào để không phải tới cảnh giới đáng sợ đó hay không. Ngạ quỷ đáp, sáng hôm sau nếu tôn giả có thể bố thí ăn uống cho một lượng hằng hà sa số ngạ qủy, lại còn vì chúng mà cúng dường Tam Bảo, khiến chúng thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ để sinh về cõi trời thì ngài mới được tăng tuổi thọ.
Sau khi quỷ rời đi, tôn giả A Nan Đà lật đật đến chỗ Đức Phật ở, đảnh lễ dưới chân ngài rồi run rẩy bạch lại mọi chuyện: "Bạch đức Thế tôn, nay con làm sao lo liệu đủ số ẩm thực để bố thí cho các ngạ quỷ đó?".
Phật an ủi, bảo A Nan Đà chớ sợ hãi quá mà sinh lòng sầu não, ngài có cách giúp. Phật truyền dạy một bài chú đà la ni có thể giúp bố thí thực phẩm cho hằng hà sa số ngạ quỷ, khiến chúng cổ họng mở lớn để hưởng thụ vật cúng, lại giúp chúng loại trừ ác nghiệp, thoát cái thân khổ đau, sinh về cõi trời. Phật dạy rằng nếu A Nan Đà áp dụng bài chú này để bố thí cho ngạ quỷ thì cả phúc và thọ của bản thân đều tăng.
Phật cũng khuyên A Nan Đà đem cách này phổ biến để tất cả chúng sinh đều được cứu. Đây gọi là Kinh nói về đà la ni cứu ngạ quỷ diệm khẩu và cứu chúng sinh khổ đau.
Tục cúng vong linh bắt nguồn từ sự tích này nên người ta vẫn gọi cúng cô hồn là “phóng diệm khẩu”, nghĩa là thả quỷ miệng lửa. Về sau, nó được hiểu rộng thành nghĩa xá tội cho tất cả những người đã khuất, hay cúng thí thực cho những cô hồn vất vưởng, như ý nghĩa ngày xá tội vong nhân ngày nay.