Cà Mau từ lâu nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản độc đáo mang dấu ấn vùng miền trong đó đặc biệt phải kể đến là món ba khía muối Rạch Gốc với hương vị hấp dẫn, khó quên.
Ba khía là loài giáp xác, thuộc họ cua, sống ở khu vực bãi bồi và tập trung nhiều nhất ở những rặng đước, mắm hoặc bờ vuông. Theo người dân địa phương, con ba khía có quanh năm nhưng nhiều nhất là khoảng tháng 7-9 Âm lịch.
Người dân Cà Mau truyền miệng rằng, cách nay nhiều năm, nguồn lợi ba khía rất phong phú. Ban đêm chỉ cần soi đèn là thấy đỏ tía ba khía, thoải mái bắt về.
Khi không tiêu thụ hết, người dân mới nghĩ ra cách muối ba khía để bảo quản được lâu hơn. Sau nhiều năm, các công đoạn công phu để muối ba khía vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, để có được con ba khía muối chuẩn vị còn cần có cả bí quyết riêng của những người làm nghề.
Nhiều năm làm nghề muối ba khía, chị Nguyễn Hồng Đạm cho biết, ba khía tươi sau khi thu mua về phải được rửa thật sạch qua nhiều lần nước, rồi để khoảng thời gian nhất định cho con ba khía…khát nước.
Tiếp đó, người thợ cho ba khía vào những lu nước muối đậm đặc pha sẵn. Ba khía sẽ uống nước muối và chết. Người làm nghề muối ba khía gọi đó là công đoạn “giết ba khía”.
Sau cùng, ba khía được rửa sạch, để ráo nước, rồi sắp theo từng lớp vào lu, khạp hoặc các keo, cho nước muối vào. Đây là công đoạn “muối ba khía”.
“Món ba khía muối muốn ngon phải chọn những con ba khía còn sống và đặc biệt phải đúng là con ba khía Rạch Gốc. Ngoài ra, nước muối làm ba khía cũng rất quan trọng, phải đảm bảo đủ độ mặn thì thịt ba khía mới ngon và giữ được lâu”, Chị Nguyễn Hồng Đạm sẻ về bí quyết làm món ba khía muối chuẩn vị.
Ba khía muối để khoảng 1 tuần là có thể ăn được. Khi ăn, người dân sẽ trộn ướp với các loại gia vị gồm chanh, tỏi, ớt, dứa, đường... Như vậy con ba khía muối sẽ bớt mặn và mùi vị sẽ thơm ngon hơn.
“Dù có nhiều cách chế biến nhưng ba khía muối ăn cùng với cơm nguội vẫn là ngon nhất. Thịt ba khía vừa ngọt vừa mặn, khi kết hợp với tỏi, ớt đúng là ngon đúng điệu miền quê. Người dân Cà Mau khi xa quê vẫn không thể nào quên được vị mặn mòi của con ba khía”, anh Hữu Việt Tâm (ngụ huyện Thới Bình, Cà Mau) chia sẻ.
Vào giữa năm 2020, nghề muối ba khía của người dân Cà Mau được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Cà Mau cùng UBND huyện Ngọc Hiển đang có kế hoạch hình thành các làng nghề muối ba khía truyền thống, kết hợp với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch. Tuy nhiên, vấn đề suy giảm nguồn lợi ba khía đang là một bài toán cần giải.
Theo ông La Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, việc cần thiết hiện nay là làm sao tìm ra được phương pháp nhân giống ba khía để bảo vệ được nguồn lợi. Qua đó, phát huy được nghề truyền thống nhiều đời nay của người dân địa phương.