Để làm ra được những đĩa bánh trôi mềm dẻo, người thợ làm bánh cũng cần tỉ mỉ trong từng công đoạn. Gạo sau khi được vo sạch, đem ngâm khoảng 8 tiếng để gạo mềm, khi xay sẽ mịn.
Công đoạn nhào bột cần phải có kỹ năng khéo léo để bột không bị khô và cũng không ướt quá, tạo nên độ mềm của bánh.
Anh Đạt - một thợ làm bánh tại chợ Hà Đông (Hà Nội) đang cặm cụi nặn những viên bánh trôi để kịp đun mẻ bánh đầu tiên. Anh cho biết: “Nhu cầu của người dân mua bánh làm sẵn về càng nhiều, tôi và vợ dậy từ lúc 2h sáng để chuẩn bị bánh trôi, bánh chay cho kịp giờ bán”.
Những viên bánh trôi sau khi được thợ làm bánh nặn xong với nhân. Bánh trôi nặn viên nhỏ bằng quả nhãn lồng, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, nhân đỗ xanh đồ chín xay nhuyễn với đường.
Sau khi nhào nặn xong, bánh sẽ được cho vào nồi nước luộc. Chị Thuỷ - vợ anh Đạt, người làm bánh chia sẻ: “Những ngày sát Tết Hàn thực, hai vợ chồng tôi hầu như chỉ ngủ 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày. 2h sáng tôi đã phải dậy chuẩn bị đồ làm bánh để sao cho kịp 6h mang ra chợ bày bán”.
Bánh khi mới luộc sẽ chìm dưới đáy nồi, khi chín sẽ tự nổi lên và được vớt ra cho vào một chậu nước lạnh.
Sở dĩ được thả vào chậu nước lạnh sẽ giúp bánh không bị nát và khi bày ra đĩa sẽ không bị dính vào nhau.
Khi vớt ra đĩa, bánh trôi sẽ được những người thợ tỉ mỉ rắc vừng vừa để thu hút khách mà còn tạo sự ngon miệng hơn khi ăn.
Những đĩa bánh trôi có giá từ 10.000 - 15.000 đồng, tùy loại. Chị Thuỷ cho biết thêm, vào ngày Tết Hàn thực, quán của chị làm cả tạ bột nếp bánh trôi, bánh chay. Hai vợ chồng chị tất bật từ sáng tới tối trong ba ngày mùng 1, 2, 3 (Âm lịch) và bận nhất vào ngày mùng 3.
Còn bánh chay rắc dừa sợi có giá từ 15.000 đồng/cốc. Người Hà Nội thường mua bánh từ sáng sớm 3/3 Âm lịch để cúng gia tiên, sau đó cả gia đình cùng thưởng thức món ăn truyền thống.