Ngày 3/3 âm lịch hằng năm, các gia đình Việt làm lễ cúng Tết Hàn thực. Vậy Tết Hàn thực có nguồn gốc, ý nghĩa thế nào?
Nguồn gốc Tết Hàn thực
Thời Đông Chu liệt quốc, vua nước Tấn là Tấn Văn Công khi giành được giang sơn bèn ban thưởng hậu hĩnh cho công thần phò tá mình lúc lưu vong, nhưng quên mất Giới Tử Thôi, người từng cắt thịt đùi nấu cho vua ăn khi khốn khó.
Vốn khinh bỉ những kẻ khoe công để nhận thưởng, Giới Tử Thôi chỉ vào chúc mừng một lần rồi cáo ốm về nhà, đi khâu giày thuê để nuôi mẹ già. Người láng giềng của Giới Tử Thôi là Giải Trương thấy trên cửa thành có yết một tờ chiếu nói : "Nếu người nào có công lao mà chưa được dự thưởng thì cho phép tự nói ra" bèn vội vàng báo tin, nhưng ông chỉ mỉm cười không nói gì. Bà mẹ ở dưới bếp nghe tiếng bèn bảo con ra nhận thưởng, nhưng sau khi nghe giải thích cũng đồng tình, khuyên con tìm nơi rừng núi ẩn thân. Giới Tử Thôi bèn đưa mẹ đến đất Miên Thượng núi cao hang sâu, làm nhà trong hang mà ở.
Giải Trương không cam lòng, bèn tìm cách thông báo cho Tấn Văn Công. Vua sai Giải Trương dẫn đường vào Miên Thượng tìm Giới Tử Thôi, nhưng tìm mãi không thấy đâu. Sau mấy ngày tìm kiếm khắp núi không được, Tấn Văn Công giận bảo Giải Trương: "Sao Giới Tử Thôi giận ta đến thế? Ta nghe nói Tử Thôi là người chí hiếu, nếu ta đốt khu rừng này thì y tất phải cõng mẹ chạy ra".
Nguồn gốc Tết Hàn thực được cho là bắt nguồn từ sự tích Tấn Văn Công đốt rừng để bức Giới Tử Thôi ra gặp mình.
Tuy nhiên, mặc cho lửa đốt trụi cả khu rừng, Giới Tử Thôi vẫn không ra, hai mẹ con ôm nhau chết dưới gốc cây liễu. Quân sĩ tìm được đống xương, Tấn Văn Công trông thấy thì ứa nước mắt, truyền cho quân sĩ đem chôn ở chân núi, lập miếu thờ, bao nhiêu ruộng xung quanh núi đều để tự điền (ruộng dùng cho việc thờ tự) cả, đổi tên núi là Giới Sơn.
Hôm đốt rừng đúng vào ngày 3/3. Về sau người trong nước nhớ đến Giới Tử Thôi chết cháy nên đến hôm đó không nỡ đốt lửa, phải làm sẵn lương khô để ăn, gọi là tiết Hàn thực, nhà nhà chỉ ăn đồ nguội. Mỗi nhà cắm cành liễu ngoài cửa để chiêu hồn Giới Tử Thôi, cũng có nhà làm cỗ và đốt giấy để cúng tế.
Ý nghĩa Tết Hàn thực
Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Tục này xuất phát từ câu chuyện nguồn gốc Tết Hàn thực kể trên.
Ngoài Trung Quốc, Tết Hàn thực phổ biến cả ở nhiều nước khác trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với người Việt Nam, ý nghĩa Tết Hàn thực màu sắc riêng, liên quan đến niềm biết ơn và tự hào về tổ tiên mình trong quá trình dựng nước, giữ nước.
Người Việt cúng bánh trôi bánh chay trong Tết Hàn thực
Vào ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Ở nhiều nơi, dân ta cũng làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Người Việt còn có lệ dâng bánh trôi trong lễ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3, ngày giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3.
Nhiều sự tích cũng cho rằng, nguồn gốc của bánh trôi, bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ.