Tổng thống Vladimir Putin hôm 28/6 cho biết Nga có thể tiếp tục sản xuất và triển khai toàn cầu các tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất.
Tổng thống Putin phát biểu trước cuộc họp với các thành viên Hội đồng an ninh Nga rằng các hành động thù địch của Mỹ khiến Moskva phải xem xét lại lập trường của mình đối với các loại vũ khí mà Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hạn chế.
“Hôm nay, chúng tôi sẽ xem xét các bước mà Nga nên thực hiện liên quan đến lệnh cấm đơn phương triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: RT)
Loại vũ khí này ban đầu bị cấm trong INF. Thỏa thuận sụp đổ vào năm 2019 tuy nhiên Nga đã chọn không sản xuất cũng như triển khai loại vũ khí như vậy ngay cả sau khi thỏa thuận với Mỹ chấm dứt.
Tổng thống Putin lưu ý rằng Moskva đã thực hiện đúng lời hứa của mình là “không sản xuất cũng như triển khai những tên lửa này chừng nào Mỹ không triển khai những hệ thống như vậy ở bất kỳ đâu trên toàn cầu”. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi Washington triển khai những tên lửa như vậy ở nước ngoài.
“Bây giờ chúng ta biết rằng Mỹ không chỉ sản xuất những hệ thống tên lửa này mà còn đưa chúng đến châu Âu, Đan Mạch để sử dụng trong các cuộc tập trận. Cách đây không lâu còn có thông tin cho rằng họ đưa vũ khí đến Philippines", nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Nga hiện cần phải phản ứng và quyết định các bước tiếp theo, ông Putin nhấn mạnh, đồng thời cho rằng việc nối lại sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn thực sự là lựa chọn duy nhất cho nước này.
Hiệp ước INF mang tính bước ngoặt năm 1987 đã cấm cả Mỹ và Liên Xô (và sau đó là Nga) sản xuất và triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất, cũng như các bệ phóng tương ứng, với tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.
Thỏa thuận sụp đổ vào năm 2019 dưới chính quyền Tổng thống Trump khi Mỹ cáo buộc Nga vi phạm, Nga cũng cho rằng Mỹ vi phạm thỏa thuận.