Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lấy 'đất vàng' resort biển trả lại cho cộng đồng

(VTC News) -

Đằng sau việc di dời các công trình che chắn không gian biển là một bài học đắt giá trong quy hoạch.

Video: Bãi biển thành "vỉa hè resort".

 

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia từng tham gia quy hoạch nhiều đô thị trên thế giới, từng là cố vấn trưởng cho đề án quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, trước kia rất nhiều tỉnh thành đang gặp phải vấn đề “tư nhân hóa” lấn chiếm bãi biển.

"Sau này, các tỉnh thấy được vấn đề nên họ bắt đầu thương lượng lại với chủ đầu tư để trả lại đất vàng ven biển, điển hình như các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Đà Nẵng. Tại TP Nha Trang đã thu hồi 28.000 m2 khu nghỉ mát Ana Mandara, trả mặt bằng ở bãi Dương, đường Trần Phú. Theo tôi, đây là xu hướng tích cực, vì không gian biển", ông Sơn cho biết.

Theo vị chuyên gia, muốn xây dựng các resort, khách sạn sát biển phải chọn những khu vực xa thành phố, những khu vắng người. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, nếu làm resort sát biển thì cũng không nên nối đuôi nhau hàng ki-lô-mét.

Ông dẫn chứng kinh nghiệm của quốc tế trung bình khoảng từ 200 - 400 m phải có lối ra biển, hay thậm chí phải có khu vực bãi biển công xen kẽ ở giữa để tránh tình trạng chiếm bãi biển chung thành tài sản của tư nhân.

 

Vị chuyên gia quy hoạch đô thị này cũng cho rằng, nếu phát triển các dự án ven biển, mà đặc biệt là ven biển tại trung tâm thành phố phải thỏa thuận kỹ lưỡng với nhà đầu tư, không thể xem bãi biển là của riêng. Họ có thể đầu tư các dịch vụ cho thuê ghế ngồi, phục vụ nước uống với giá cao hơn nhưng đừng “độc quyền”, phải mở lối ra biển cho người dân.

"Thời gian trước, ở Đà Nẵng, người dân đi hàng chục cây số không tìm được lối nào ra biển. Muốn đi ra biển thì phải đi xuyên qua resort, mà các resort này có nhân viên bảo vệ. Về nguyên tắc, cứ khoảng 400 m thì phải có lối công cộng ra biển, có nghĩa là người dân nào cũng đi ra biển được không cần phải đi “nhờ” bên trong các dự án.

Chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề rộng hơn, vì nếu dự án chiếm bãi biển làm của riêng thì kinh tế ở phía Tây của biển sẽ khó phát triển, người dân sẽ mất đi nhiều quyền lợi", ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, phải tránh là không nên xây dựng các cao ốc trước biển. Vì chỉ có con đường ven biển được lợi, còn quỹ đất phía sau tòa nhà này khó phát triển vì không hề thấy biển và sẽ bị chắn gió biển. Mặt khác, các dự án ven biển phải giám sát môi trường thật kĩ, tránh tình trạng xả thải ra bờ biển.

"Phát triển kinh tế biển đầu tiên phải ưu tiên phát triển bản sắc đô thị, phát triển cộng đồng và giao lưu xã hội. Khuyến khích phát triển kinh tế năng động, kết nối với khu vực vùng núi. Cuối cùng, muốn phát triển đô thị biển cần lưu ý nhất vấn đề công bằng xã hội. Phải làm sau cho mọi người dân được thụ hưởng mọi giá trị, vùng biển cũng như vùng núi", ông Sơn bày tỏ.

Đằng sau việc di dời các công trình che chắn không gian biển là một bài học đắt giá trong quy hoạch. Việc các cấp chính quyền địa phương lắng nghe nguyện vọng, tiếng nói của người dân, giành lại “đất vàng” bên biển để đầu tư không gian công cộng đã cho thấy sự cầu thị, đó chính là cách phục vụ người dân tốt nhất, hướng tới phát triển không gian biển vì cộng đồng, vì môi trường thân thiện.

 

Trước tình trạng bờ biển đẹp của công bị biến thành của tư, cuối tháng 6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh không cấp phép mới các công trình, dự án ven biển. Cùng với đó, các Sở phải rà soát công trình ven biển, thậm chí đề xuất thu hồi các dự án đã được chấp thuận đầu tư, nhưng không hoặc chậm triển khai mà không có lý do chính đáng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường thanh tra hoạt động xây dựng đối với các dự án, công trình ven biển để kịp thời xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, không phép.

Lãnh đạo tỉnh này nhận thức việc chấp thuận đầu tư các dự án tại khu vực ven biển phải phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt và đảm bảo quyền tiếp cận của người dân.

Đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu giúp Nha Trang phát triển hiện đại nhưng vẫn gần gũi với thiên nhiên.

 

Một trong những nội dung quan trọng của quy hoạch là từng bước xử lý các công trình che chắn biển, xây dựng một số công trình làm điểm nhấn để phục vụ cộng đồng, giúp người dân và du khách có thể tập thể dục, vui chơi, giải trí, sử dụng dịch vụ giải khát, thể thao trên biển.

Thời gian qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết liệt thu hồi các dự án chắn biển, lấn biển và chậm tiến độ. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi dự án lấn biển nhiều tai tiếng là Dự án công viên giải trí Nha Trang Sao, Công viên Phù Đổng và đặc biệt là Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara, nằm dọc đường Trần Phú, chiếm cứ bãi biển dài hơn 800 m. Bên cạnh đó, khu Nhà nghỉ 378 cũng đang được cơ quan chức năng của tỉnh xúc tiến làm việc với Bộ Công an để di dời, giải phóng mặt bằng.

Có thể nói, việc di dời Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara (đường Trần Phú, Nha Trang) là một trong những việc làm quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thời gian qua. Đây là dự án chắn biển dài nhất đã được nhiều đời lãnh đạo tỉnh và cơ quan chức năng quyết liệt thu hồi, chủ dự án nhiều lần gia hạn, nhưng mãi đến cuối năm 2022 mới chịu di dời đến địa điểm mới.

Trước Nha Trang, Bình Định cũng có chủ trương và đang xúc tiến di dời 3 khách sạn ở bãi biển phía đông đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn) gồm khách sạn Bình Dương (2 sao), Hải Âu (4 sao), Hoàng Yến (4 sao), để lấy đất ven biển xây dựng công viên ven biển, phục vụ cộng đồng.

Nhiều lần trước cử tri, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đều nhất quán và khẳng định lãnh đạo tỉnh luôn ý thức sâu sắc biển, bờ biển là của chung cộng đồng, không để người dân vất vả khi tìm đường ra biển.

Xuyên suốt các nhiệm kỳ qua, lãnh đạo tỉnh đã dành những khu đất ở vị trí mặt biển, dọc các tuyến đường lớn của TP Quy Nhơn được xem là "đất vàng" để xây dựng các quảng trường, công viên cây xanh như: Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Quảng trường Chiến Thắng, Công viên biển Xuân Diệu… Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm.

 

Thực tế vài năm trở lại đây, Quy Nhơn trở thành điểm đến hàng đầu không chỉ của du khách trong nước mà cả quốc tế. Cảm nhận chung của du khách khi đến Quy Nhơn là không gian xanh, không khí trong lành, người dân thân thiện. Nơi đây không phát triển đô thị một cách ồ ạt trong nội thành như các địa phương khác, mà chú trọng đến không gian cộng đồng.

Trong lần về làm việc với tỉnh Bình Định hồi tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang rất bất ngờ về sự thay da, đổi thịt của vùng đất này.

"Tôi xuống máy bay ở Bình Định buổi tối, có những góc nhìn cảm giác như đang ở Singapore vậy. Giữa phố biển có cao ốc, đèn điện và đặc biệt là sự vui vẻ, sung túc của người dân, khách du lịch đi chơi đêm ở đường bờ biển Quy Nhơn", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ cảm nhận với tư cách một người trở lại Bình Định sau 20 năm.

 

Đã có nhiều bài học tích cực trong khai thác không gian biển theo hướng tôn trọng thiên nhiên và văn hóa bản địa. Điển hình là Phú Yên. Đây là địa phương hiếm hoi có tầm nhìn xa cho vấn đề quy hoạch chung không gian công cộng ven biển.

Tỉnh này trong 5 năm trở lại đây đã quy hoạch hơn 26 ha đất ven biển (phía đông đường Độc Lập) và đầu tư gần 400 tỷ đồng để xây công viên biển phục vụ cộng đồng và công trình công cộng mang biểu tượng Phú Yên.

Mặc dù khu vực này được xem là vị trí đắc địa nhất thành phố trẻ Tuy Hòa, với các điều kiện kinh doanh dịch vụ, du lịch tốt nhất, nhưng thay vì xây dựng các khu nghỉ dưỡng, resort tại khu “đất vàng”, UBND tỉnh Phú Yên lại đầu tư các công trình công cộng phục vụ người dân và du khách.

 

Dọc đường Độc Lập là hệ thống công viên, không gian ven biển thoáng đãng, nhiều cây xanh đã được trồng tạo không gian đẹp.

Đối diện không gian công cộng đường Độc Lập, các resort, khách sạn, nhà hàng cũng như các cơ quan, công sở cũng được quy hoạch, xây dựng thấp tầng, kết hợp nhiều cây xanh để tạo không gian thoáng mát.

Được biết, công viên biển ở Tuy Hòa sẽ tiếp tục được phát triển. Theo quy hoạch, tại TP Tuy Hòa không gian biển sẽ được bố trí với chiều dài hàng chục ki-lô-mét, bao quanh thành phố.

Quảng trường Nghinh Phong là một trong những không gian công cộng mà tỉnh Phú Yên đã đầu tư gần đây. Công trình kết nối với tuyến đường Độc Lập đã thu hút rất nhiều du khách và cả người dân địa phương đến đây hưởng thụ sự trong lành của biển.

Mới đây, quảng trường Nghinh Phong là công trình duy nhất tại khu vực Đông Nam Á đạt giải thưởng quốc tế danh giá - “Cảnh quan đô thị châu Á” năm 2023. Giải thưởng đề cao sự sáng tạo trong thiết kế và quy hoạch đô thị xanh, dựa trên 5 tiêu chí: thân thiện môi trường, an toàn bền vững, tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương, chất lượng nghệ thuật, sự đóng góp cho phát triển của khu vực và là hình mẫu cho các thành phố khác.

Như vậy, đã có sự khác biệt giữa các địa phương trong cách nhìn nhận về tài nguyên, không gian ven biển.

Nhóm PV Nam Trung Bộ (Thiết kế: Huy Mạnh)

Tin mới