Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hàng loạt resort 'đắp chiếu trùm mền' ven biển Nam Trung Bộ

(VTC News) -

Suốt dọc bờ biển một số đô thị và thành phố biển khu vực Nam Trung Bộ, rất dễ nhìn ra các khu resort nghỉ dưỡng 5 sao xây dang dở rồi bỏ hoang.

Video: Dự án nghỉ dưỡng, du lịch ven biển che chắn không gian bờ biển.

 

Cách đây khoảng 10 năm, hàng loạt dự án liên quan đến phát triển dịch vụ du lịch ở các tỉnh Nam Trung Bộ được khởi công hoành tráng, với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ðúng vào dịp kỷ niệm 26 năm ngày giải phóng Bình Ðịnh (31/3/2001), 2 tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên đã tổ chức khánh thành công trình đường Quy Nhơn - Sông Cầu (hay còn gọi Quốc lộ 1D).

Việc xây dựng con đường này không chỉ nhằm mục đích tránh đèo Cù Mông nguy hiểm trên QL1, phá vỡ thế độc đạo ra vào TP Quy Nhơn, rút ngắn 15 km cho quãng đường từ Quy Nhơn đi TP.HCM, mà trước hết còn là vì sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất giáp ranh 2 tỉnh Bình Ðịnh - Phú Yên.

Do đó, nhiều năm qua địa phương đã phác thảo kế hoạch dài hơi và xem tuyến đường này là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương, liên tục kêu gọi nhà đầu tư.

 

Cụ thể hóa chiến lược này, giữa năm 2019, UBND tỉnh Bình Định duyệt Đồ án Quy hoạch điều chỉnh 1/2.000 các điểm du lịch - dịch vụ dọc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, thuộc phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) nhằm tận dụng lợi thế cảnh quan biển, quy hoạch xây dựng các khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quy Nhơn - Bình Định.

Quy hoạch này ngay lập tức phát huy tác dụng, khi được phê duyệt vào đúng thời điểm du lịch Bình Định bứt phá ngoạn mục, tạo cú hích cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và khiến tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu lọt vào “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư.

Dự án đầu tiên được triển khai trên đoạn tuyến này, cũng là khu resort đầu tiên của Bình Ðịnh, do Công ty Du lịch Bãi Dài - Quy Nhơn (liên doanh giữa Công ty Du lịch Bình Ðịnh và một tập đoàn của Cộng hòa Áo) triển khai, được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép đầu tư vào tháng 4/2002.

Vốn đầu tư của liên doanh này là 4 triệu USD, trong đó tỉnh đóng góp 30%, với mục tiêu xây dựng và điều hành một khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế gồm các loại hình kinh doanh lưu trú và các dịch vụ du lịch trên khu vực Bãi Dài thuộc phường Ghềnh Ráng. Ngày 4/8/2002, khu du lịch Bãi Dài đã được khởi công xây dựng.

Ông Nguyễn Bay - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định - cho biết, đã có 19 dự án đầu tư vào khu vực này, chủ yếu liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch với loại hình biệt thự, căn hộ du lịch cao cấp… trên tổng diện tích hơn 300 ha được quy hoạch.

 

Sở hữu đường bờ biển dài hơn 105 km với những bãi tắm có vẻ đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm, Ninh Thuận có nhiều lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch. Từ những năm 2000, hàng loạt nhà đầu tư đã đến “giữ đất”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 56 dự án du lịch đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (còn hiệu lực), với tổng vốn đăng ký trên 52.469 tỷ đồng.

Trong đó, có 23 dự án đã đưa vào hoạt động, chiếm khoảng 41%; 20 dự án đang triển khai thi công, chiếm trên 35% và 13 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư, chiếm trên 23%.

Khánh Hòa được coi là “thỏi nam châm” thu hút các dự án nghìn tỷ. Trên lĩnh vực du lịch dịch vụ, Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của vùng và cả nước với đa dạng các loại hình du lịch, hạ tầng du lịch phát triển đồng bộ.

Hiện trên địa bàn tỉnh có các dự án du lịch nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế chất lượng cao. Tính đến 2023, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có hơn 40 dự án đang được đầu tư xây dựng, trong đó có hơn 15 dự án đã đi vào hoạt động bao gồm dự án du lịch, nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao cùng sân golf và khu đô thị.

 

Hàng loạt resort, dự án du lịch ở Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,… đã buộc phải thu hồi sau thời gian dài triển khai cầm chừng, tiến độ xây dựng quá chậm. Một số dự án đã được giao đất cả chục năm, nhưng đến nay, chủ đầu tư không triển khai xây dựng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, một số dự án du lịch trọng điểm tại tỉnh này triển khai rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, một số dự án tuy đã được cho phép chủ trương đầu tư hơn 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động, gây lãng phí gần hàng nghìn héc-ta đất ven biển. 

 

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức cuộc họp rà soát tình hình triển khai các dự án được coi là động lực cho phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, trên cơ sở rà soát 22 dự án du lịch trọng điểm, có 2 dự án đã tổ chức kiểm tra, đề xuất xử lý ngừng hoạt động là dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia - Ninh Chữ của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Aminia Ninh Chữ và Dự án Ninh Chữ Sailing Bay của Công ty CP Ninh Chữ Bay.

Ngoài 2 dự án trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết có 8 dự án du lịch khác đã giao đất, đang triển khai xây dựng còn trong tiến độ nhưng chậm. Những dự án này cũng có khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng… cần hỗ trợ tháo gỡ, đôn đốc tiến độ.

Trong số các dự án du lịch trọng điểm, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia - Ninh Chữ được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011. Dự án có diện tích sử dụng đất 3,6 ha; tổng vốn đầu tư 249 tỷ đồng. Quy mô xây dựng gồm khách sạn 5 sao cao 15 tầng, 36 căn villa, nhà hàng, hồ bơi, khu dịch vụ phụ trợ…

Sau nhiều lần cấp đổi giấy chứng nhận đầu tư, dự án được gia hạn tiến độ hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 6/2020. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm được phê duyệt, dự án chỉ mới xây xong phần thô 36 căn biệt thự rồi dừng.

Năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã có kết luận thanh tra và xử phạt hành chính chủ đầu tư 70 triệu đồng về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Sở TN&MT cũng có kết luận thanh tra dự án này chậm tiến độ sử dụng đất 16 tháng.

 

Hay như dự án Ninh Chữ Sailling Bay ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008. Dự án được khởi công vào ngày 9/12/2021, có tổng diện tích 12,3 ha, gồm 4 tòa tháp cao 36 - 40 tầng, quy mô 4.000 căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao, tổng vốn đầu tư 4.779 tỷ đồng.

Đến nay dự án Ninh Chữ Sailling Bay vẫn "ngủ yên". Toàn bộ diện tích của dự án được rào chắn bằng lớp tôn cao, bên trong vẫn còn là bãi đất trống và không một bóng người. 

Dự án Khu du lịch Cap Padaran Mũi Dinh được cấp quyết định chủ trương đầu tư tháng 4/2017, quy mô diện tích hơn 358 ha (đã giao đất đợt 6, diện tích hơn 228 ha), tổng vốn đầu tư trên 4.700 tỷ đồng, theo tiến độ đưa dự án khai thác từng phần giai đoạn 1 trong năm 2024. Tuy nhiên qua theo dõi, dự án không triển khai, nhà đầu tư có biểu hiện trì hoãn kéo dài.

Còn ở Khánh Hòa, 10 năm trở lại đây, khi nói đến sự phát triển của TP Nha Trang, người ta thường nhắc đến các dự án ven biển, nằm trong quần thể vịnh Nha Trang.

Đầu tư một cách ồ ạt, sau đó hàng loạt các dự án trở về trạng thái “treo” như dự án Trimet Nha Trang (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) được chính quyền tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014 với quy mô hơn 2 ha với vốn đầu tư hơn 375 tỷ đồng.

Dự án nằm ở vị trí đất vàng ven biển Nha Trang, được giao đất từ năm 2014 đến nay nhưng không triển khai. Bên ngoài, chủ đầu tư chỉ dựng hàng rào tôn che chắn sơ sài. Bên trong dự án, cỏ mọc um tùm, không có người bảo vệ. gây lãng phí tài nguyên đất.

Theo giải thích của UBND tỉnh Khánh Hòa, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ dự án xuất phát từ lý do chủ quan của nhà đầu tư.

Việc hàng loạt các dự án được kỳ vọng sẽ đưa ngành du lịch các tỉnh ven biển “cất cánh” sau thời gian “đánh trống khua chiêng” thì “đắp chiếu trùm mền” khiến người dân vừa xót xa, lại thêm ngán ngẩm.

Nhóm PV Nam Trung Bộ ( Thiết kế: Huy Mạnh)

Tin mới