Thành lập năm 1982, nhà tù Bastoy nằm trên một hòn đảo nhỏ rộng chừng 1,6 km với cảnh quan hấp dẫn. Đây là "nhà" của 115 tù nhân, bao gồm đủ loại tội phạm từ ma túy, mại dâm đến cưỡng hiếp, giết người. Thậm chí, cả những tên tội phạm được xếp vào hàng nguy hiểm nhất quốc gia.
Thế nhưng, Bastoy được biết đến là nhà tù “sướng” nhất thế giới bởi người phạm tội không phải trải qua cuộc sống tù ngục như những nơi khác. Thời gian họ sống trên đảo giống như đang tham gia vào một kỳ nghỉ nhiều hơn.
Xung quanh nhà tù không có tường rào kẽm gai, hay rào điện, cũng không có bảo vệ vũ trang và các con chó hung dữ chực tấn công người. Các tù nhân được sống trong những ngôi nhà gỗ nhỏ sơn màu sáng với trang bị đầy đủ tiện nghi. Cứ 6 tù nhân sẽ sống cùng nhau trong một căn nhà như vậy. Tại đây, các phạm nhân không phải mặc áo tù, được ngủ phòng riêng và tự túc nấu ăn như một người bình thường.
Hàng ngày, họ chăn nuôi, trồng trọt và đốn củi. Ở đây cũng không có còi báo thức buổi sáng. Mọi người phải tự dậy đúng giờ và học cách có trách nhiệm với công việc. Giờ làm bắt đầu từ 8h30 đến 15h30. Đến bữa, họ được thưởng thức rất nhiều món ăn ngon như cá viên, tôm, thịt gà hay cá hồi…
Sau đó, họ có thể thoải mái làm những gì mình thích. Để giải trí, họ có thể tắm nắng bên các bãi biển trải dài mênh mông, cưỡi ngựa, mùa đông thì tắm hơi. Thậm chí trên đảo còn có cả sân quần vợt để mọi người thư giãn sau thời gian cải tạo, làm việc vất vả trong ngày.
Không chỉ được “ăn ngon, mặc đẹp” theo đúng nghĩa đen, các tù nhân ở Bastoy còn được trả lương 10 USD (khoảng 230,000 VNĐ/ngày) và trợ cấp thực phẩm mỗi tháng. Lý do là bởi trong ngày, họ chỉ được cung cấp một bữa ăn ở đại sảnh, hai bữa ăn khác thì phải tự nấu lấy. Do đó, số tiền này được họ dùng để mua đồ ăn, thức uống tại một siêu thị mini trên đảo.
Không chỉ vậy, những tù nhân tại Bastoy được phép liên lạc với gia đình và bạn bè bằng hệ thống điện thoại công cộng trên đảo. Mỗi tù nhân sẽ được gặp gỡ tối đa 3 người thân, bạn bè/tuần. Đặc biệt, nơi đây còn bố trí một căn phòng riêng tư để giúp họ giải quyết nhu cầu tình cảm với vợ chồng.
Cựu lãnh đạo ở Bastoy chia sẻ: "Cách duy nhất chúng ta có thể thay đổi con người là khiến họ tự thay đổi bản thân mình. Và nhờ thế, họ sẽ bắt đầu cuộc sống với khởi đầu mới, thay vì nhìn vào thất bại trong quá khứ". Trên thực tế, chỉ có 16% tù nhân mãn hạn ở đây tái phạm trong thời hạn 2 năm, trong khi mức trung bình ở Na Uy là 20% và 70% ở châu Âu.
Dù vậy, mô hình nhà tù Bastoy vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng việc đối xử tốt với các phạm nhân không phải yếu tố chính ảnh hưởng tới việc liệu họ có tái phạm tội hay không. Song, giới chức nhà tù Bastoy vẫn kiên trì với phương pháp của mình. Mục tiêu Bastoy hướng đến không phải trừng phạt hay trả thù. Hình phạt duy nhất với các phạm nhân là họ bị tước đi quyền làm một thành viên trong xã hội tự do.