Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gần 50% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng

(VTC News) -

Có tới 47% doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay, 4% phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác, đẩy chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao.

Báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trong buổi làm việc chiều nay 19/8, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn lớn nhất là thiếu hụt dòng vốn trong khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng lại hạn chế. Cụ thể, khảo sát của VCCI cho thấy có tới 47% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, trong đó 4% phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác.

Hiện nay, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm. Đây là điều kiện rất khó đáp ứng nhất, khi doanh nghiệp vừa trải qua hai năm khốn khó bởi dịch bệnh. Ngay cả khi được hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận. Đáng lo ngại hơn, lãi suất cho vay nguy cơ tăng cao hơn khi lãi suất huy động đang tăng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc với VCCI.

Bên cạnh đó, chi phí liên quan đến người lao động tăng từ ngày 1/7/2022. Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ tăng khoảng 6% so với trước theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, đây là mức tăng sau gần hai năm. Đối với doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu sẽ đi kèm tăng chi phí đóng bảo hiểm của cả doanh nghiệp và người lao động, tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm bằng với mức lương tối thiểu hoặc là các doanh nghiệp tính lương theo giờ làm việc.

Chi phí đầu vào tăng cao cũng là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng rất nhanh, khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao. Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt ban hành nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, giảm giá xăng, dầu - nguyên vật liệu cho nhiều ngành sản xuất, tuy nhiên đến nay tình trạng giá nguyên liệu đầu vào ở một số ngành vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp với đoàn công tác của Quốc hội.

Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh là tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân xuất phát từ sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê chuyển nhượng đất đai (42,5%), quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp (39,3%), việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và địa phương “thiếu quỹ đất sạch”. Mặt khác, doanh nghiệp cũng bức xúc vì công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định. Những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Do vậy, VCCI đề nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ sớm có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ghi nhận những phản ánh trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định đoàn công tác sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bàn thảo, có giải pháp tháo gỡ tại kỳ họp tới.

94,6 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 56 nghìn doanh nghiệp, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước cũng có 28,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,6%; gần 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

PHẠM DUY

Tin mới