Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nguy cơ nợ xấu tăng khi doanh nghiệp thiếu vốn

(VTC News) -

Gần đây, nhiều doanh nghiệp vì thiếu vốn phải xoay đủ đường, từ vay bạn bè, người thân đến nợ đối tác và ngân hàng, theo chuyên gia, đó là một vòng nợ luẩn quẩn.

Mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Phước Hưng nói lên thế khó của rất nhiều doanh nghiệp hiện tại, đó là muốn khôi phục chuỗi cung ứng, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc để phục hồi nhưng đói vốn. Khó lại chồng khó khi chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng hiện tại đều tăng mạnh khiến nhu cầu vốn đè nặng lên doanh nghiệp.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM chia sẻ về cơ hội cho ngành thực phẩm khi các đối tác châu Âu thời điểm hiện tại đặt hàng rất nhiều. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp Việt không dám nhận đơn hàng vì…không có vốn để mua nguyên liệu.

Theo bà, trước đây doanh nghiệp chỉ cần 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên liệu thì hiện phải thêm khoảng 50 tỷ đồng vì giá cả tăng cao. Vốn tín dụng không tiếp cận được, để cầm cự doanh nghiệp thậm chí phải tự vay vốn bạn bè, người thân dù khoản tiền này cũng không nhiều.

Doanh nghiệp thiếu vốn dẫn đến hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Chúng tôi chỉ mong được ngân hàng nâng mức cho vay và triển khai các chính sách nhanh hơn, để doanh nghiệp có thêm vốn sản xuất”, bà Kim Chi nói.

Ngoài tự xoay sở, không ít doanh nghiệp vì không muốn mất mối làm ăn trong hoàn cảnh khó khăn, buộc phải chọn cách nợ lại chính ngân hàng.

Giám đốc một doanh nghiệp đồ nội thất xuất khẩu có trụ sở tại Hà Nội thừa nhận, việc không trả đúng hạn có thể khiến doanh nghiệp phải trả lãi không nhỏ, mất lịch sử tín dụng sạch và khó khăn trong lần vay tiếp theo. Tuy nhiên, doanh nghiệp gần như không có lựa chọn, buộc phải giữ tiền làm vốn vì nếu từ chối đơn hàng, đối tác có thể chuyển hướng tìm nhà cung cấp mới tại các nước khác mà không quay lại Việt Nam.

Doanh nghiệp… không dám trả ngân hàng vì đáo hạn xong cũng rất khó vay được tiếp vì các doanh nghiệp cùng xếp hàng dài, không biết khi nào mới tới lượt. Trong khi đó, mọi chi phí từ sản xuất, máy móc, nhà xưởng, lương công nhân đều phải tăng lên để kịp đơn hàng cuối năm”, vị lãnh đạo công ty nói.

Thừa nhận thực tế này, chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chính các doanh nghiệp đang sợ không có vốn để quay vòng sản xuất nên không dám trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn được ông chỉ ra là nguy cơ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng nếu tình hình này tiếp diễn. Khi cả cấu trúc vốn bị đóng băng, hậu quả sẽ vô cùng nguy hiểm với nền kinh tế.

Một thực tế đáng lo khác đang được giới chuyên gia cảnh báo là tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau của chính các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất hàng hóa tiêu dùng…Khi vốn tín dụng khan hiếm, các doanh nghiệp mua hàng, ghi công nợ nhưng không thể thanh toán đúng hạn, doanh nghiệp nọ “gối nợ” doanh nghiệp kia.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TM&SX Hưng Hải (Hà Nội), một công ty trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cho hay, doanh nghiệp ông đang chịu cảnh “rát tai” vì bị đối tác đòi nợ tiền nguyên vật liệu. Tuy nhiên, “khổ sở” hơn là chính công ty ông cũng bị khách mua nợ tiền hàng dù đã quá hạn cả tháng. Đây không chỉ là hiện tượng cá biệt mà đã lan rộng ra nhiều ngành nghề.

Từ đó, PGS TS Đinh Trọng Thịnh đặt ra lo lắng khi về vòng nợ luẩn quẩn giữa các doanh nghiệp ngày một lớn lên. 

Khảo sát mới đây của Atradius chỉ ra thực tế đáng lo. Có tới 58% tổng giá trị giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong những tháng qua được thực hiện bằng hình thức bán hàng trả chậm và có tới 48% các giao dịch này là hóa đơn quá hạn trong đó nợ khó đòi và nợ xấu ở mức cao.

Nói về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa thừa nhận, doanh nghiệp càng nhỏ càng chịu áp lực về nợ nần trong khi những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện vẫn chỉ mang tính chất nhỏ giọt. Số liệu của Tổng cục Thống kê 7 tháng cho thấy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 94.600 doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kì năm ngoái. Điều này đồng nghĩa một tháng có 13.500 doanh nghiệp chia tay thị trường.

Nhìn tổng thể, một chuyên gia lâu năm trong ngành kinh tế cho rằng, chìa khóa hiện tại nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước. Chính các ngân hàng thương mại lớn đã đồng loạt lên tiếng xin nới room khi nhu cầu vốn giai đoạn quý 3 và cuối năm luôn rất lớn. Tuy nhiên, tới hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái tích cực nào dù trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo về việc không siết tín dụng một cách bất hợp lí.

Giới doanh nghiệp hiện như một cơ thể còn ốm yếu, chậm cứu chữa ngày nào là nguy hiểm ngày ấy. Không thể để sợi dây thờ ơ, từ bất kì cơ quan nào kéo ngã các doanh nghiệp, theo sau sẽ là hiệu ứng domino tới toàn bộ nền kinh tế”, vị chuyên gia nói.

Bảo Anh

Tin mới