Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp Việt tuần qua: Công ty của bầu Đức thắng lớn, EVN lỗ nặng

(VTC News) -

Công ty của “bầu” Đức mỗi tháng lãi gần 100 tỷ đồng, EVN lỗ nghìn tỷ đồng, loạt công ty chứng khoán bị phạt nặng… là những tin doanh nghiệp đáng chú ý trong tuần.

Hoàng Anh Gia Lai lãi đậm

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai, mã chứng khoán HAG) vừa công bố báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 8/2022 với doanh thu thuần 448 tỷ đồng, tăng 14% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu chăn nuôi là 195 tỷ đồng, cây ăn trái đạt 193 tỷ đồng và 60 tỷ đồng từ ngành phụ trợ.

Công ty Hoàng Anh Gia Lai của "bầu" Đức đạt lợi nhuận sau thuế 781 tỷ đồng (khoảng 98 tỷ đồng mỗi tháng) trong 8 tháng đầu năm.

Về sản lượng tiêu thụ từng ngành, chăn nuôi hơn 30.114 con heo thịt, cây ăn trái hơn 28.487 tấn (trong đó riêng chuối xuất khẩu hơn 12.400 tấn, chuối dùng làm thức ăn gia súc hơn 16.000 tấn).

Dù giá chuối chưa như kỳ vọng nhưng nhờ giá heo hơi vẫn ở mức cao, nên Hoàng Anh Gia Lai vẫn ghi nhận lãi sau thuế 123 tỷ đồng trong tháng 8. Tính chung ba tháng gần nhất, lợi nhuận của HAG duy trì quanh mức 123 - 126 tỷ đồng/tháng, tức 4 tỷ đồng mỗi ngày.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của HAG đạt hơn 136.000 con heo thịt và hơn 167.000 tấn chuối (gần 113.000 tấn chuối xuất khẩu và gần 54.000 tấn chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc). Nhờ đó, doanh thu công ty “bầu” Đức đạt 2.708 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 781 tỷ đồng (khoảng 98 tỷ đồng mỗi tháng), bằng 69% kế hoạch cả năm.

Trên thị trường, cổ phiếu HAG đang bị kiểm soát, hiện giao dịch mức 13.600 đồng/cổ phiếu.

EVN lỗ hơn 16.500 tỷ đồng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 với kết quả kém khả quan. Theo đó, ghi nhận hết quý II, EVN ghi nhận lỗ 12.767 tỷ đồng và lỗ sau thuế là 16.586 tỷ đồng.

EVN lỗ hơn 16.500 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2022. 

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ lũy kế 6 tháng đầu năm là 221.231 tỷ đồng, tăng khá so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, giá vốn bán hàng tăng mạnh, lên tới 225.448 tỉ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp của EVN lỗ hơn 4.200 tỷ đồng.

Vẫn theo báo cáo, EVN hiện có tổng tài sản trên 673.157 tỷ đồng, giảm hơn 32.200 tỷ đồng so với đầu năm. Ông lớn ngành điện hiện đang gánh khoản nợ phải trả 442.477 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 152.197 tỷ đồng và nợ dài hạn là 290.279 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.

Báo cáo tài chính của công ty mẹ cũng ghi nhận doanh thu 189.194 tỷ đồng, trong đó lỗ gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 13.398 tỷ đồng và lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh là sau thuế là 22.215 tỷ đồng.

Theo EVN, giá nhiên liệu cho sản xuất điện như than, dầu, khí... là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất của EVN tăng cao, gây khó khăn về tài chính.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến chưa xác nhận cầm 314 tỷ đồng của Tân Tạo

Công ty cổ phần Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (Tân Tạo, mã chứng khoán ITA) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022. Đáng chú ý, trong báo cáo này, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ cũng như nhấn mạnh một số vấn đề đối với báo cáo tài chính của ITA.

Theo đó, cơ quan kiển toán AASCS cho rằng khoản tiền 314 tỷ đồng được Tân Tạo ghi nhận vào mục “đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” theo dạng uỷ thác cho bà Yến là chưa phù hợp vì không có đầy đủ bằng chứng và bà Yến cũng chưa xác nhận đã nhận tiền.

Thứ nữa, khoản uỷ thác đầu tư cho bà Yến phát sinh trong 6 tháng đầu năm nay được chi bằng tiền mặt 223 tỷ đồng nên kiểm toán không đủ cơ sở kiểm chứng nghiệp vụ này.

Về phía Tân Tạo, giải trình nội dung trên, ITA cho biết đây là khoản uỷ thác đầu tư vào các dự án công nghệ cao tại Mỹ cho cá nhân bà Đặng Thị Hoàng Yến, theo các biên bản và nghị quyết đại hội đồng cổ đông từ 2019 - 2021.

Tân Tạo thời gian gần đây liên tục được nhắc đến liên quan đến việc tạm ứng gần 2.000 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến đầu tư ở Mỹ nhưng sau đó đính chính chỉ chi 633 tỷ đồng.

Liên quan đến nội dung này, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã yêu cầu giải trình nhưng Tân Tạo chậm trễ. HoSE sau đó đã quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo từ 6/9. Lý do là Tân Tạo đã vi phạm quy định công bố thông tin từ bốn lần trở lên trong vòng một năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Hàng loạt công ty chứng khoán bị phạt nặng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa ban hành một loạt quyết định xử phạt các công ty chứng khoán do vi phạm về chứng khoán. Cụ thể, SSC quyết định xử phạt vi phạm hành chính Chứng khoán VPS tổng cộng số tiền 185 triệu đồng.

Nhiều công ty chứng khoán bị phạt nặng do vi phạm trong bối cảnh thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, VPS bị phạt tiền 125 triệu đồng do có hành vi cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ (margin) vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.

Ngoài ra, VPS bị phạt tiền 60 triệu đồng vì đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. VPS đã bố trí nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ký tại Hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng.

Trong cùng thời điểm, SSC cũng ra quyết định xử phat 250 triệu đồng với Chứng khoán Everest (EVS) do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được.

EVS là tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán cho Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu WTPCH2125003. Tuy nhiên, công ty chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định.

Chứng khoán An Bình (ABBS) cũng vừa bị phạt tiền 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được đối với đợt phát hành của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil (SOLEIL).

ABBS là tổ chức tư vấn cho SOLEIL thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu SOLCH2123001, giá trị 800 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Việt bước chân vào chuỗi cung ứng của Boeing 

Ông Micheal Vũ Nguyễn, Giám đốc Quốc gia Boeing tại Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp Việt ngày càng tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của Boeing. Theo đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày 17/9, ông Micheal Vũ Nguyễn cho hay, trong nhiều năm qua, các nhà cung cấp từ Việt Nam đã sản xuất các bộ phận máy bay tiên tiến, bao gồm kết cấu hàng không cho Boeing - hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho Boeing trong những năm qua là 200 triệu USD.

Boeing tạo cơ hội và khuyến khích các nhà cung cấp chính đầu tư thêm, hoặc đầu tư mới vào Việt Nam và liên kết sâu rộng với các nhà cung cấp Việt Nam để tạo ra một chuỗi cung ứng đầy đủ, hiệu quả và linh hoạt nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao nhất cho khách hàng.

Theo ông Micheal Vũ Nguyễn, Boeing sẽ làm việc với các nhà cung cấp chính để hỗ trợ các công ty Việt Nam trong việc huấn luyện, nâng cao kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất, bảo đảm chất lượng và dịch vụ cho sản phẩm để đạt được đẳng cấp quốc tế cho ngành hàng không.

Boeing hiện đang làm việc tích cực với 5 hãng hàng không của Việt Nam trong việc tăng cường đội tàu bay, huấn luyện phi công, đào tạo lãnh đạo, chuyên gia trong ngành hàng không, kỹ sư và nhân viên tu bổ, bảo trì và sửa chữa máy bay.

Phía Boeing cũng đã và đang tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam và chú tâm vào xây dựng năng lực địa phương cũng như hợp tác với các tổ chức Việt Nam trên các lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, nghiên cứu và công nghệ, đào tạo và phát triển kỹ năng.

Hòa Bình

Tin mới