Hàng loạt tỷ phú Việt nhận lương 0 đồng
Báo cáo tài chính bán niên của nhiều doanh nghiệp cho thấy những người đứng đầu của các tập đoàn lớn đều không nhận thù lao. Cụ thể, báo cáo tài chính kiểm toán bán niên của Tập đoàn Vingroup (Vingroup, mã chứng khoán VIC), thể hiện Vingroup đã chi hơn 24 tỷ đồng thù lao cho các lãnh đạo, gồm thành viên hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và các quản lý khác. Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và nhiều thành viên hội đồng quản trị không nhận thù lao. Ông Vượng cũng không nhận lương trong nửa đầu 2022.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và nhiều thành viên hội đồng quản trị không nhận thù lao trong nửa đầu 2022.
Ngoài ông Vượng, bà Nguyễn Diệu Linh, Phó Chủ tịch và ông Yoo Ji Han, thành viên Hội đồng quản trị độc lập, cũng nhận lương 0 đồng. Các cá nhân còn lại nhận thù lao từ mức 517 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Vẫn theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt hơn 31.600 tỷ đồng, giảm gần nửa so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp này đạt gần 3.500 tỷ đồng.
Tương tự, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát Group, mã HPG) và các thành viên không nhận thù lao trong nửa đầu năm 2022. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm nay là giai đoạn khó khăn cho Hòa Phát nói riêng và ngành thép nói chung. Quý II, Hòa Phát chỉ lãi hơn 4.000 tỷ, giảm mạnh so với mức 9.700 tỷ của cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 27% so với cùng giai đoạn năm trước.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (Masan Group, mã MSN) cũng không nhận lương trong nửa đầu 2022. Báo cáo tài chính kiểm toán của Masan cho biết, doanh nghiệp này đã chi gần 106 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên quản lý chủ chốt trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, các thành viên hội đồng quản trị tập đoàn không nhận thù lao.
Lợi nhuận hàng không "kẻ cười người khóc"
Trong khi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) tiếp tục ghi nhận mức lỗ ròng hàng nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm thì Vietjet (mã VJC) lại có lãi. Theo đó, báo cáo tài chính mới công bố cho thấy, nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu tăng cao và nhiều đường bay quốc tế chưa được mở lại, Vietnam Airlines vẫn lỗ khoảng 5.100 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ so với kỳ này năm ngoái. Luỹ kế đến 30/6, Vietnam Airlines lỗ khoảng 28.900 tỷ đồng.
Vietnam Airlines tiếp tục ghi nhận mức lỗ ròng hàng nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.
Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cũng nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của VNA khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 36.400 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ đồng. Theo đơn vị kiểm toán này, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, bên cho thuê.
Đến hết 30/6, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp vượt tài sản ngắn hạn 36.425 tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đã lên tới hơn 14.850 tỷ đồng. Trước đó, Deloitte Việt Nam cũng thể hiện lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của hãng bay này trong báo cáo kiểm toán 2021.
Trong khi đó, báo cáo tài chính bán niên 2022 sau kiểm toán của Vietjet, ghi nhận doanh thu vận tải hàng không đạt 14.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80,33 tỷ đồng, lần lượt tăng 197% và 135% so với cùng kỳ 2021.
Tính đến ngày 30/6, Vietjet có tổng tài sản là 62.669 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay, vốn chỉ ở mức 1,09 lần, chỉ số thanh khoản hiện hành đạt 1,49, nằm trong nhóm có chỉ số tốt trong ngành hàng không thế giới. Theo đánh giá, kết quả kinh doanh sáu tháng 2022 tích cực nhờ nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt là các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Petrolimex lo đứt gãy nguồn cung xăng dầu
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có văn bản gửi Liên Bộ Công Thương, Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến những khó khăn và lo ngại về vấn đề nguồn cung xăng dầu.
Petrolimex kiến nghị nhiều giải pháp vì lo đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
Theo ông lớn này, giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu hiện nay diễn biến hết sức phức tạp. Giá có mức tăng hoặc giảm bất thường với biên độ rất lớn và chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố về địa chính trị, dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng nguồn cung khí đốt khu vực EU...
Trong khi đó, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tạo nguồn trong nước chưa được tính đủ từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay. Việc này đã tạo ra khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong chia sẻ thù lao hoặc chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ...
Petrolimex lo ngại nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ ở một số nơi hoặc một số thương nhân nhượng quyền có thể xảy ra nếu công tác kiểm soát tồn kho và công tác vận chuyển không được phối hợp chặt chẽ, đặc biệt đối với các địa bàn xa các kho xăng dầu đầu mối.
Trước tình hình trên, Petrolimex đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đều phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng để đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối của mình.
Petrolimex đề nghị kịp thời điều chỉnh chi phí premium và chi phí vận tải, vốn là các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhưng chưa được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá ngày 11/7/2022, để cập nhật bổ sung ngay vào chu kỳ điều hành giá ngày 12/9 sắp tới, nhằm giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.
Ngoài ra, Petrolimex kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ngay từ đầu nguồn thông qua việc kết nối dữ liệu từ các kho của các thương nhân đầu mối trong việc tiếp nhận hàng nhập khẩu hoặc mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước.
FLC muốn mua lại trụ sở đã gán nợ cho ngân hàng
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FLCHomes, mã FHH) mới đây đã thông qua việc chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản giữa công ty này, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Theo đó, hợp đồng sẽ hết hiệu lực khi FLC và FLCHomes đã liên đới hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã nhận theo quy định tại Hợp đồng mua bán tài sản cho OCB. Sau khi hợp đồng mua bán tài sản chấm dứt hiệu lực, cho phép bán, chuyển nhượng tài sản cho bên thứ 3 khác với giá trị chuyển nhượng tối thiểu là 2.000 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán).
Hội đồng quản trị FLCHomes cũng ủy quyền cho FLC là đơn vị chủ trì tổ chức triển khai thực hiện chấm dứt hợp đồng và chuyển nhượng tài sản.
Tài sản trong giao dịch nói trên chính là tòa nhà số 265 Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), vốn là nơi Tập đoàn FLC và nhiều công ty thành viên đặt trụ sở (Bamboo Airways, FLC Faros...).
Đây cũng là dự án được FLC và các công ty thành viên sử dụng để thế chấp cho các khoản vay tại OCB trước khi Hội đồng quản trị FLC đã đồng ý sử dụng tòa tháp văn phòng này để gán toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways phát sinh tại OCB.
Liên quan đến Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ 9/9 do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin. Như vậy, sau ngày này, nhà đầu tư sẽ không thể mua bán cổ phiếu FLC, thay vì chỉ bị hạn chế (được giao dịch vào buổi chiều) như trước.
Chốt phiên trước nghỉ lễ 2/9 cổ phiếu FLC dừng ở mức 4.000 đồng, tương ứng với quy mô vốn hóa của doanh nghiệp này đạt hơn 2.800 tỷ đồng.