Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp Việt tuần qua: 'Nóng' nới room tín dụng, đại gia đua nuôi heo

(VTC News) -

Nhiều nhà băng được nới room tín dụng, loạt doanh nghiệp đua nhau nuôi heo, cổ phiếu Vietnam Airlines nguy cơ hủy niêm yết... là những tin doanh nghiệp đáng chú ý.

Nới room tín dụng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp, ngân hàng quan tâm tuần qua. Theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, hạn mức cấp thêm từ 1% đến 4% room tín dụng so với mức cũ (tuỳ từng ngân hàng).

Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng. (Ảnh minh họa) 

Hàng loạt ngân hàng được nới room tín dụng

Cụ thể, hạn mức được cấp thêm của các ngân hàng như sau: Sacombank (STB) 4%; HDBank 3,4%; MB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; Agribank 3,5%; Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức thấp hơn như TPBank 1,2%.

Việc điều chỉnh room tín dụng đợt này của ngân hàng vẫn dựa trên đơn đề nghị của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước.  

Tại họp báo Chính phủ tháng 8/2022, chia sẻ thêm về việc điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, mục tiêu là duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP từ 6%-6,5%.

Từ các chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. Chỉ tiêu này cũng được đặt ra từ đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi như cuộc xung đột Nga-Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá nguyên vật liệu...

Chia sẻ với VTC News, nhiều chuyên gia cho rằng, công cụ hạn mức tín dụng (room) đang thể hiện nhiều hạn chế, cần được loại bỏ và thay thế bằng công cụ mới ưu việt hơn.

TS Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước), nhấn mạnh, công cụ này hiện gây ra một số vấn đề như vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ; hàng loạt người mua nhà bị chủ đầu tư phạt do chậm nộp tiền... Do đó, về mặt pháp lý, sớm hay muộn Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc việc bỏ room tín dụng.

Doanh nghiệp lớn đua nhau nuôi heo

Công ty cổ phần Thaiholdings (THD) cho biết đã đầu tư 600 tỷ đồng hợp tác kinh doanh với bên thứ ba để chăn nuôi heo và sản xuất heo giống qua dự án chăn nuôi công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa. 

Cụ thể, tháng 10/2021, phía Thaiholdings ký kết hợp đồng kinh doanh với Xuân Thiện Thanh Hóa 2 lập dự án chăn nuôi heo và sản xuất heo giống tại xã Nguyệt Ẩn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Công ty THD góp 300 tỷ đồng và nhận được 60% lợi nhuận của dự án sau khi trừ đi các khoản trích lập theo quy định. Còn lại là Xuân Thiện Thanh Hóa 2 rót 75 tỉ đồng cùng với năng lực quản lý dự án và nhận được 40% lợi nhuận dự án.

Tháng 1/2021, Thaiholdings ký tiếp hợp đồng với Công ty Xuân Thiện Thanh Hóa 3 để lập dự án chăn nuôi heo tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Trong đó, Thaiholdings vẫn góp 300 tỉ đồng vào dự án này và nhận 60% lợi nhuận như dự án ở xã Nguyệt Ấn.

Thaiholdings là doanh nghiệp nghìn tỷ đồng tiếp theo sau một số doanh nghiệp có tham vọng tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Masan...

Báo cáo tài chính mới công bố của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai), doanh nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đạt lãi ròng sau thuế tới 273 tỷ đồng trong quý II/2022, cao nhất trong gần 5 năm qua, nhờ vào việc tập trung nuôi heo, trồng chuối.

Nửa đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai đã bán tổng cộng gần 82.530 con heo thịt, hơn 109.800 tấn trái cây (gồm chuối xuất khẩu gần 81.570 tấn và chuối cho sản xuất thức ăn gia súc hơn 28.230 tấn).

Theo báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát Group), 6 tháng đầu năm, sản lượng heo tiêu thụ các loại của Hòa Phát Group đạt gần 200.000 con heo thịt thương phẩm, heo giống… ngang bằng so với cùng kì năm ngoái.

Trang trại heo Hòa Phát được đánh giá là một trong những mô hình chăn nuôi hiện đại, áp dụng chăn nuôi theo quy mô lớn, hiện đại, khép kín và được chứng nhận quy trình chuẩn VietGAP. 100% con giống của Hoà Phát được nhập khẩu trực tiếp từ Đan Mạch với các ưu thế vượt trội về năng suất sinh sản, sinh trưởng mạnh, chất lượng thịt tối ưu.

Trước đó, Masan MEATLife (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) cho biết sở hữu trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao tại Nghệ An với tổng diện tích trên 223 ha, vốn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng, có khả năng cung cấp cho 250.000 con mỗi năm. 

MML cũng đầu tư hơn 2000 tỷ đồng xây dựng hai Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn, nơi chế biến ra sản phẩm thịt mát MEATDeli và các sản phẩm thịt chế biến. Hai tổ hợp có tổng công suất chế biến 2,8 triệu con/năm. Nguồn lợn khỏe cung ứng cho MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn phải trải qua 3 tuyến kiểm dịch nghiêm ngặt.

HoSE cảnh báo hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có thông báo gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines  để lưu ý về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu của doanh nghiệp này. Ngày 1/6, HoSE đã ban hành quyết định số 359 về việc giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines do vốn chủ sở hữu hãng hàng không này đã âm 2.160 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất (2020-2021) cũng báo số âm. Vì vậy, cổ phiếu hãng hàng không này thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của HoSE.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines tiếp tục báo số âm 5.167,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6 âm 28.904,2 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 4.897,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu Vietnam Airlines có nguy cơ bị hủy niêm yết. (Ảnh: Vietnam Airlines).

Cổ phiếu Vietravel bị hạn chế giao dịch vì âm vốn chủ

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có văn bản thông báo về việc hạn chế giao dịch trên hệ thống UpCOM với cổ phiếu VTR của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel).

Theo đó, từ ngày 13/9 tới, mã VTR sẽ bị hạn chế giao dịch, nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu vào phiên ngày thứ sáu hằng tuần. Lý do HNX đưa ra là Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu, căn cứ theo báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét. 

"Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ có thông báo về việc cho phép cổ phiếu VTR được giao dịch trở lại bình thường sau khi công ty khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định tại quy chế đăng ký giao dịch", báo cáo của HNX nêu.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 của Vietravel cho thấy, tính đến ngày chốt sổ quý II, Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu gần 104,3 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm vẫn còn dương gần 8 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp xăng dầu bị phạt gần 9 tỷ đồng

Công ty cổ phần Thương nghiệp Cà Mau (mã CMV) công bố việc nhận quyết định của Chánh thanh tra Bộ Công Thương xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, CMV bị phạt tiền 50 triệu đồng do có hành vi gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối; phạt tiền 90 triệu đồng vì kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực.

Để khắc phục hậu quả cho hành vi kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực, CMV buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm từ tháng 1/2021 - 3/2022 với số tiền gần 8,7 tỷ đồng.

Tổng số tiền CMV bị phạt và truy thu phải nộp vào ngân sách gần 9 tỷ đồng.

Hòa Bình

Tin mới