Axit béo Omega-3 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, uống Omega-3 mỗi ngày có tốt không? Cần lưu ý gì khi bổ sung Omega-3?
Tác dụng của Omega-3 với cơ thể
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Lê Bách, Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền (Hà Nội), axit béo Omega-3 bao gồm 3 loại là EPA, ALA và DHA, đều là những chất cần thiết cho sức khỏe.
Bổ sung Omega-3 có thể mang lại những lợi ích sau đối với sức khỏe:
- Tốt cho sức khỏe tim mạch: Ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim và làm giảm nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
- Tốt cho mắt: DHA có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thị lực và thần kinh ở trẻ nhỏ. Bổ sung đầy đủ Omega-3 sẽ làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, suy giảm thị lực.
- Tốt cho người bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm: Omega-3 có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
- Tốt cho người bệnh tăng huyết áp: Bổ sung Omega-3 đúng chỉ định có thể giúp duy trì huyết áp ổn định.
- Tác dụng khác: Omega-3 còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tốt cho da, kiểm soát lượng dầu của da, kiểm soát độ ẩm của da, ngăn ngừa sự tăng lớp sừng của nang lông, ngăn ngừa lão hóa da sớm và mụn.
Có nên uống Omega-3 liên tục không?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Bách cho biết thêm, có nên uống Omega-3 liên tục hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều được khuyến cáo bổ sung thành từng đợt kéo dài ít nhất 3 tháng.
Liều lượng bổ sung Omega-3 ở mỗi người cũng có thể khác nhau. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, hầu hết được khuyến nghị tối thiểu 250-500 mg EPA và DHA kết hợp mỗi ngày. Với phụ nữ mang thai, nên cung cấp khoảng 500 mg mỗi ngày trong suốt chu kỳ và hàm lượng này có thể tăng vào cuối chu kỳ vì đây là giai đoạn thai nhi hình thành não bộ và thần kinh.
Có nên bổ sung Omega-3 liên tục không là băn khoăn của nhiều người
Ngoài ra, một số trường hợp với tình trạng sức khỏe nhất định có thể cần bổ sung Omega-3 nhiều hơn những người bình thường. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp đối với bạn. Mỗi sản phẩm thực phẩm bổ sung Omega-3 có thể chứa lượng EPA và DHA khác nhau. Điều quan trọng là phải đọc nhãn thực phẩm bổ sung Omega-3 để biết nó chứa bao nhiêu EPA và DHA. Từ đó, có thể xác định được cần uống bao nhiêu viên để đạt được lượng khuyến nghị.
Cách bổ sung dầu cá Omega-3
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, dầu cá Omega-3 có thể bổ sung bằng 2 cách bao gồm: khẩu phần ăn các loại thực phẩm giàu hoạt chất này hoặc dùng viên uống thực phẩm chức năng dầu cá.
Chế độ ăn uống hàng ngày
Omega-3 tồn tại trong đa dạng các loại thực phẩm hàng ngày từ rau xanh như rau chân vịt, cải xanh, súp lơ,... các loại hạt và đậu, trứng,... Tuy nhiên, nguồn Omega-3 từ dầu cá là nguồn cung cấp dồi dào và chất lượng tối ưu, từ đó cơ thể hấp thụ hiệu quả hơn. Bạn có thể ưu tiên dùng các loại cá nhiều Omega-3 như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ,... vào thực đơn hàng ngày để giúp tăng cường Omega - 3 tự nhiên tốt cho sức khỏe.
Bổ sung qua thực phẩm chức năng
Ngoài chế độ ăn uống thì các loại thực phẩm chức năng dầu cá Omega-3 cũng là sản phẩm được khuyên dùng đối với những người cần bổ sung axit béo này cho cơ thể. Dầu cá Omega-3 thường được chiết xuất từ các loại cá biển và bào chế ở dạng viên nang mềm.
Thông thường, dầu cá trong thực phẩm chức năng thường chứa Omega-3 ở dạng EPA và DHA có hàm lượng khác nhau ở mỗi thương hiệu. Ngoài ra, hiện nay các viên uống dầu cá được phát triển bổ sung thêm nhiều hoạt chất có ích khác cho sức khỏe như Omega-6 ; Omega-9, vitamin D3.