Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cải tạo chung cư cũ bế tắc: Khi lòng tham 'đắt' hơn cả mạng sống

(VTC News) -

Lòng tham của nhiều người khiến các dự án cải tạo chung cư cũ không thể thực hiện, hàng trăm hộ dân phải "sống mòn" trong những khu nhà chờ sập, đầy hiểm nguy.

Ở chung cư hay nhà tập thể là lựa chọn của nhiều người dân và cán bộ viên chức thành phố từ xưa đến nay. Qua thời gian, với tốc độ phát triển đô thị, nhiều khu chung cư tuổi đời mấy chục năm bị bỏ quên, không tu sửa đã xuống cấp trầm trọng, đe dọa tính mạng của cư dân.

Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là không ít người luôn cố liều bám trụ dù thừa khả năng kinh tế đi chỗ mới khang trang, sạch đẹp hơn nhiều. Hỏi ra mới biết, hóa ra họ muốn chỗ ở được cải tạo khang trang, rộng rãi hơn nhưng lại phải miễn phí, thậm chí là phải "sinh được lời".

Không ít người quyết bám trụ tại những căn hộ cũ nát như thế này để đòi hỏi lợi ích. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Tôi từng chứng kiến những tòa nhà chỉ cần dùng tay gõ nhẹ vào là lập tức mảng vữa rơi ra. Những dầm sắt gỉ sét, vết nứt ngày càng to. 15 năm trước, cư dân nhận được thông báo cải tạo. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đến rồi lần lượt bỏ đi, bởi vì đòi hỏi của nhiều cư dân quá lớn. Trong khi phần lớn các hộ dân phập phồng lo sợ mỗi ngày do không biết nó sập khi nào, muốn ra ngoài ở để bảo tồn tính mạng thì một số người lại luôn hỏi "tiền đâu". Không tiền, họ nhất quyết không đi, cho dù phải đánh cược bằng mạng sống.

Chuyện nhà chung cư cũ bị sập hay cháy nổ không còn là chuyện hiếm ở các thành phố lớn, thế nhưng mặc kệ, nhiều hộ dân vẫn kiên quyết sống khổ để kiếm lời trên chính sự nguy hiểm đang treo trên đầu. Họ bám trụ tại những khu tập thể cũ để chờ thời, với quan điểm: Nơi họ ở là khu “đất vàng” đắt đỏ, Nhà nước cần cải tạo thì càng phải trả giá cao để thỏa thuận với dân.

Có người do không giữ được lợi ích hiện có như ở căn hộ tầng 1, có thể kinh doanh thêm nếm hay căn hộ đang ở có diện tích lớn hơn so với khu cải tạo… mà thẳng thừng tuyên bố không chấp nhận thỏa thuận của chủ đầu tư.

Quá quắt hơn, nhiều người còn hạnh họe chủ đầu tư, đòi hệ số đền bù cao ngất ngưởng. Họ chăm chăm vào lợi ích cá nhân, cố tình "ăn vạ" để đạt được mong muốn của mình, bất chấp phải trái và mong ước của hàng trăm, hàng nghìn hộ dân khác.

Ngày này qua ngày khác, họ ôm giấc mộng làm giàu. Nhưng lời lãi thì chưa thấy đâu, chỉ thấy căn hộ họ ở mỗi ngày một nát mục, đe dọa chính những con người "cố thủ".

Cũng chính vì sự đình trệ này mà hàng nghìn người không thể thoát khỏi những căn nhà ổ chuột, tàn tạ đầy hiểm nguy. Có những căn hộ chờ vài năm, thậm chí cả chục năm để kế hoạch cải tạo được triển khai, nhưng các hộ dân vẫn chưa biết lúc nào chuyện này đi đến hồi kết khi mà trong số họ vẫn có người phản đối đến cùng.

Trên thực tế, những đòi hỏi vô cớ, quá đà thường chỉ thuộc về số ít người ích kỷ, tham lam, thiếu tinh thần xây dựng. Nhưng, chừng đó cũng là quá đủ để gây hệ lụy cho biết bao người và cả chính quyền.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, họ từng phải “bỏ của chạy lấy người” vì xung đột lợi ích với dân. Doanh nghiệp nào mạnh tay hơn, trường vốn hơn thì phải chấp nhận móc hầu bao, thuyết phục những người chống đối. Đó chính là nguyên nhân khiến các dự án cải tạo chung cư cũ như đi vào ngõ cụt, bao ý tưởng, dự định hay vẫn chỉ nằm trên giấy.

Rõ ràng, con số 100% đồng thuận là không thể đạt được bởi không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ được lòng tham, sẵn sàng từ bỏ lợi ích riêng vì cái chung, vì vẻ đẹp chung của thành phố.

Bởi thế, cần phải có sự mạnh tay của cơ quan Nhà nước để dẹp bỏ những đòi hỏi “trên trời”, dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân của một bộ phận dân chúng. Có như thế, những hệ lụy mới chấm dứt, bộ mặt, mỹ quan đô thị mới có thể trở nên hài hòa.

Bạn có đồng tình với quan điểm này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Lê Giang

Tin mới