Chân giò heo cung cấp cho cơ thể nhiều collagen - loại protein giúp da trở nên đàn hồi, sáng bóng và mềm mịn hơn. Bộ phận này là nguyên liệu để để chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, sự bất tiện trong việc sơ chế chân giò khiến nhiều người ngần ngại, lười làm món này tại nhà, chủ yếu là do móng giò quá khó để làm sạch.
Trên bề mặt móng giò có rất nhiều chất bẩn, bên trong vẫn còn một lượng máu nhất định, nếu không được làm sạch sẽ tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe do thiếu vệ sinh, đồng thời khiến món ăn có mùi khó chịu. Để xử lý chân giò hết mùi hôi và đảm bảo về mặt thẩm mỹ, bạn có thể áp dụng một số bí quyết dưới dây.
Việc thui qua lửa không chỉ giúp khử mùi chân giò mà còn tạo ra mùi thơm đặc trưng rất hấp dẫn cho các món ăn được chế biến từ nguyên liệu này. Ngoài ra, khâu này còn giúp làm sạch phần lông cứng trên da.
Bí quyết xử lý chân giò thơm ngon, đẹp mắt: Thui trước khi chế biến. (Ảnh: Wikihow)
Bạn có thể sử dụng đèn khò mini hoặc đốt rơm để thui sơ qua phần giò heo. Cần kiểm soát ngọn lửa để tránh tình trạng quá nhiệt khiến da giò heo bị khét, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến hương vị của món ăn.
Phương pháp này thường được sử dụng để sơ chế chân giò heo cho các món như giò heo giả cầy, giò heo nấu rựa mận..., mang lại hương vị tuyệt vời khó cưỡng.
Bạn dùng dao để cạo sạch phần đen trên bề mặt của móng giò, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Thông thường, trên bề mặt giò heo sẽ có những tạp chất màu đen do quá trình đốt lông để lại. Nếu không loại bỏ sạch, các tạp chất này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn và mùi vị của món ăn.
Cách sơ chế chân giò này giúp loại bỏ mùi hôi và tạo màu sắc đẹp. Chân giò khi nhúng vào nước sôi cũng sẽ được làm sạch các bụi bẩn trên bề mặt, đặc biệt là sau quá trình bày bán. Trước khi chế biến, bạn hãy trụng chân giò qua nước sôi khoảng 2-3 phút và rửa sạch.
Phương pháp này có thể áp dụng để xử lý chân giò cho nhiều món như kho, hầm canh.
Sau khi làm sạch lông, bạn dùng dao để rạch dọc theo các khớp của móng giò, chia thành từng miếng nhỏ có kích thước bằng nhau. Cho chân giò vào chậu, thêm một ít nước vo gạo và rửa nhẹ nhàng để loại bỏ máu và chất bẩn.
Móng giò heo ngon và bổ nhưng rất khó làm sạch nếu không biết cách. (Ảnh: Istock)
Nước vo gạo không chỉ làm sạch bụi bẩn trên bề mặt mà còn có tác dụng khử mùi móng giò hiệu quả. Việc rửa móng giò bằng nước vo gạo còn giúp tay không bị dính mỡ và không cảm thấy nhờn khi xử lý nguyên liệu này.
Khi nước vo gạo chuyển sang màu đỏ, hãy chắt bỏ và sử dụng nước sạch để rửa lại móng giò heo. Khi thấy nước trong có nghĩa là móng giò đã được làm sạch hoàn toàn và bạn có thể sử dụng cho bất kỳ món ăn nào.
Bạn có thể sơ chế chân giò bằng cách chà xát bề mặt bằng nước cốt chanh, giấm hoặc rượu nhằm loại bỏ mùi hôi khó chịu. Cách này cũng có khả năng diệt khuẩn và loại bỏ các tác nhân gây bệnh trên chân giò, có thể áp dụng cho các món như hầm rau củ, nấu bánh canh, hủ tiếu giò heo...
Trước tiên, bạn cần loại bỏ lông và các vết bẩn trên bề mặt chân giò, sau đó pha muối hột với nước ấm, chú ý khuấy để muối tan hoàn toàn trong nước.
Ngâm chân giò vào dung dịch muối hột này trong khoảng từ 30 phút đến 1 giờ, tùy thuộc vào mức độ cần làm sạch. Sau khi đã ngâm đủ thời gian, hãy rửa sạch chân giò với nước để loại bỏ muối và bất kỳ tạp chất nào còn lại.
Muối hột không chỉ làm sạch chân giò mà còn giúp loại bỏ mùi tanh, khuếch đại hương vị của món ăn. Đây là một bí quyết xử lý chân giò thơm ngon, đẹp mắt rất hiệu quả và đơn giản.