Liên quan đến loạt sai phạm trong việc "hiến đất mở đường" ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), ngày 23/12, trả lời VTC News, đại diện UBND huyện Lâm Hà cho biết, ông Hoàng Sỹ Bích, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà đã ký văn bản yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KTHT), UBND các xã, thị trấn (Đinh Văn, Đạ Đờn, Hoài Đức, Gia Lâm, Nam Hà, Mê Linh, Đông Thanh) kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ, công chức liên quan.
Ông Hoàng Sỹ Bích yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức (CBCC) tham mưu thực hiện việc hiến đất làm đường và các trường hợp tách thửa để xảy ra sai phạm.
Trụ điện, đường bê tông mọc lên từ quả đồi trồng thông ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. (Ảnh: Thy Huệ)
Hồ sơ, báo cáo kiểm điểm gồm: Danh sách CBCC tham mưu thực hiện việc hiến đất làm đường, các trường hợp tách thửa để xảy ra sai phạm (danh sách cần ghi rõ chức vụ, nội dung sai phạm); Báo cáo kết quả kiểm điểm; Bản tự kiểm điểm của CBCC để xảy ra các tồn tại, sai phạm; Biên bản họp kiểm điểm của đơn vị;
Trích ngang sơ yếu lý lịch, tóm tắt quá trình công tác của CBCC để xảy ra sai phạm; Biên bản kiểm phiếu và Phiếu thăm dò hình thức xử lý kỷ luật; các tài liệu, hồ sơ liên quan. Hồ sơ, báo cáo kiểm điểm nộp về UBND huyện trước ngày 28/12/2021.
"Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai, thực hiện và báo cáo về UBND huyện đúng thời gian quy định. Nếu quá thời gian trên đơn vị nào không nộp hồ sơ, báo cáo kiểm điểm về UBND huyện thì Thủ trưởng đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện", văn bản của UBND huyện Lâm Hà ghi rõ.
Trước đó, ngày 17/12, UBND huyện Lâm Hà ban hành Kết luận kiểm tra Công tác tham mưu hiến đất làm đường và cho ý kiến đối với các trường hợp tách thửa trên địa bàn.
Theo kết luận, thời gian qua, trước nhu cầu người dân xin mở đường nhằm phục vụ nhu cầu làm đường đi chung, sản xuất nông nghiệp và thuận lợi cho việc sử dụng đất của cộng đồng dân cư trong khu vực, Phòng KTHT đã tham mưu cho UBND huyện triển khai. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn tồn tại nhiều hạn chế.
Cụ thể, Phòng KTHT chưa kịp thời tham mưu cho UBND huyện cụ thể hóa các văn bản theo quy định. Quá trình triển khai, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh một số nội dung trong công tác đề xuất, tham mưu các hồ sơ hiến đất, mở đường đi chung trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện của Phòng KTHT chưa theo đúng nội dung chỉ đạo.
San gạt các phần đất ở bìa rừng. (Ảnh: Thy Huệ)
Hồ sơ của người sử dụng đất xin hiến đất, mở đường đi còn thiếu chặt chẽ. Đơn của người sử dụng đất chỉ có cá nhân ký, không phải tất cả những người được Nhà nước cấp QSDĐ ký. Cá biệt, nhiều đơn người được uỷ quyền thực hiện thủ tục hành chính ký thay người được cấp QSDĐ để hiến đất chưa đảm bảo tính pháp lý theo quy định của Luật Dân sự.
Có 35/43 trường hợp người sử dụng đất xin mở đường đi với mục đích nhu cầu thực tế “xin phép mở đường đi để đủ điều kiện được tách thửa”, trong khi báo cáo lại thể hiện “người sử dụng đất xin mở đường đi với mục đích mở đường đi chung cho cộng đồng dân cư...”. Đây là phản ánh chưa chính xác, chưa đúng với thực tế.
Sau khi được UBND huyện chấp thuận chủ trương cho mở đường, người dân đã đầu tư xây dựng các tuyến đường, tự thiết kế, lập bản vẽ phân lô để rao bán và hình thành một số điểm dân cư mới tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương.
Đáng nói, 7/43 vị trí xin mở đường đi “thuộc quy hoạch đất ở” theo báo cáo thẩm tra của Phòng KTHT là chưa đúng, vì chỉ có một phần nhỏ thuộc quy hoạch đất ở, còn lại đa số diện tích thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, hoặc toàn bộ thửa đất thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp.
Việc Phòng KTHT tham mưu cho UBND huyện chấp thuận chủ trương đối với một số trường hợp người sử dụng đất xin mở đường chưa chặt chẽ, chưa đúng theo các quy định và điều kiện thực tế ở địa phương.
Trong đó, việc mở tuyến đường đi mới tại một số vị trí, về quy mô diện tích không lớn, đã có tiếp giáp với đường bê tông hiện hữu chưa thực sự cần thiết mở đường để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người có đất xin mở đường và cộng đồng dân cư khu vực.
Tuy nhiên, khi kiểm tra, thẩm định và tham mưu cho UBND huyện văn bản chấp thuận chủ trương cho các trường hợp trên là chưa phù hợp, chưa sát với thực tế ở địa phương và chưa đúng quy định.
Công trình bê tông mọc lên từ các quả đồi ở huyện Lâm Hà. (Ảnh: Thy Huệ)
Ngoài ra, sơ đồ các tuyến đường của người sử dụng đất xin mở không đảm bảo tính chính xác về vị trí, kích thước, diện tích đất thu hồi; không đảm bảo tính kỹ thuật và không đủ cơ sở pháp lý để cập nhật chỉnh lý lên bản đồ địa chính của địa phương đang quản lý là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai.
Hiện toàn bộ diện tích đất được các cá nhân “hiến đất”, “xin làm đường” (đã hình thành các con đường) nhưng chưa được chính quyền địa phương “nhận hiến”, đưa vào quỹ đất công để quản lý theo quy định.
"Việc tham mưu cho UBND huyện chấp thuận chủ trương cho người sử dụng đất tự đầu tư xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp để đủ điều kiện tách thửa là chưa đảm bảo quy định về chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
Một số tuyến đường giao nhau giữa đường cũ và đường mới chưa hợp lý, có độ chênh lệch lớn về cốt nền, độ dốc và cua gấp, tiềm ẩn tai nạn giao thông nhưng chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời", kết luận của UBND huyện Lâm Hà nêu.