NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng, nguyên phóng viên quay phim chiến trường chống Mỹ của Đài tiếng nói Việt Nam có gửi thư cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị một số nội dung liên quan đến Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203.
Liên quan đến việc này, Chủ tịch nước yêu cầu chuyển thư và toàn bộ tài liệu của ông Phạm Việt Tùng đến Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam để nghiên cứu, xem xét cụ thể.
Đồng thời, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ban Thi đua - khen thưởng trung ương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Bùi Văn Tùng.
Trung tá Bùi Văn Tùng (bên trái) - chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 cùng nhà báo Borries Gallasch (Đức) tại sân dinh Độc Lập, Sài Gòn trưa 30/4/1975 - Ảnh tư liệu, chụp lại
Trước đó, ngày 4/4/2022, đạo diễn Phạm Việt Tùng cùng một nữ đồng nghiệp biên kịch phim "Chuyện thật trưa 30/4/1975" đến Văn phòng Chủ tịch nước để gửi thư kiến nghị kể trên đến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Trong thư, đạo diễn Phạm Việt Tùng nêu căn cứ để ông kiến nghị Chủ tịch nước chỉ đạo "xét thành tích cống hiến qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của Đại tá - chính ủy Bùi Văn Tùng, xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Bùi Văn Tùng".
Đó là các chứng cứ lịch sử đã được thể hiện, chứng minh trong bộ phim tài liệu điều tra "Chuyện thật trưa 30/4/1975" do Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất. Bộ phim này đã được chiếu công khai trên Đài truyền hình VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) vào tháng 4/2021; được chọn vào vòng chung khảo và trình chiếu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 ở Thừa Thiên Huế, tháng 11/2021.
NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng
Ngày 30/4/1975, ông Bùi Văn Tùng mang quân hàm trung tá và giữ chức vụ Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - một trong những đơn vị đánh chiếm dinh Độc Lập - Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ông chính là người viết lời đầu hàng cho Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trong ngày 30/4/1975.
Với những hoạt động trong ngày 30/4/1975, Chính ủy Bùi Văn Tùng không chỉ đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, mà đã đi vào lịch sử thế giới với tư cách là người ra lệnh đầu hàng, thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc ngay để sớm chấm dứt đổ máu, và thay mặt Quân Giải phóng, thay mặt cách mạng, thay mặt chế độ, tức là thay mặt Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam) tiếp nhận sự đầu hàng của một chế độ thù địch.