Ký ức của cựu biệt động đánh Dinh Độc Lập
Một buổi chiều đúng 50 năm sau sự kiện Mậu Thân, tôi tìm về lại nhà ông Bảy Hôn, tức Phan Văn Hôn, một trong 15 chiến sỹ đội 5 biệt động trực tiếp tham gia đánh vào Dinh Độc Lập mùa xuân năm 1968 ở đường Trung Lập (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM).
Dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông Bảy Hôn vẫn giữ được vẻ quắc thước, khỏe mạnh hiếm có. Ông tâm sự về cuộc sống, về chiến tranh và cả những trăn trở chưa hoàn thành.
Ông Bảy chính thức tham gia Cách mạng, làm du kích khi vừa tròn 15 tuổi. Đến năm 1962, ông gia nhập đoàn quân giải phóng. 5 năm sau, ông được chuyển về bổ sung cho đội 5 biệt động Sài Gòn.
Ngay sau khi về đội, ông cùng đồng đội được đi học một khóa sơ bàn, rồi học chính trị với thông báo sẽ đánh vào một khu quân sự ở quận 5.
Video: Ông Bảy Hôn kể về thời khắc nhận sứ mệnh lịch sử
Trong thời gian ém quân chờ đánh, chàng thanh niên Bảy Hôn được về phép ở quê nhà, nơi có người yêu sắp cưới đang chờ. Lúc này, ông được đơn vị tạo điều kiện cho ở nhà tổ chức đám cưới, nhưng với quyết tâm đánh giặc, ông đề nghị hoãn cuộc vui của riêng mình.
Thế rồi ông cùng đồng đội tiến thẳng về Sài Gòn, ông đâu biết lần ra đi này cũng là lần lỡ duyên đôi lứa với người yêu.
Về đến nội đô, đội 5 được đưa đến hầm vũ khí của gia đình ông Trần Văn Lai để chuẩn bị. Lúc này, tất cả thành viên của đội vẫn tin rằng đơn vị sẽ đánh vào một khu quân sự nào đó ở quận 5.
Chỉ trước khi trận đánh diễn ra vài tiếng, ông cùng đồng đội mới ngỡ ngàng khi được đội trưởng Ba Thanh (đồng chí Tô Hoài Thanh) thông báo đội được lệnh đánh vào Dinh Độc Lập.
“Lúc đó chúng tôi không ai nói với ai, nhưng tất cả đều rất hào hứng, vui vẻ. Vì chúng tôi không nghĩ mình có cơ hội được đánh vào cơ quan đầu não của địch, đây là địa điểm cực kỳ quan trọng.
Các chiến sĩ Đội 5 Biệt động và chiếc xe tấn công Dinh Độc Lập.
Chúng tôi được lệnh tấn công nhanh chóng trong 30 phút, sau đó sẽ có đại bộ phận lính đến tiếp ứng cho chúng tôi rút về nghỉ”, ông kể.
Rồi tiếng súng đầu tiên cũng nổ trước cổng Dinh Độc Lập, nhưng trận đánh không đạt được kết quả như ý. Toàn bộ đơn vị chủ lực của ta bị chặn từ vòng ngoài, đội 5 hi sinh quá nửa, số còn lại bị dồn vào một ngôi nhà rồi cũng bị bắt sống.
Trong chất giọng trầm buồn, ông Bảy nói: “Lúc đó chúng nó (chính quyền Sài Gòn – PV) định đưa 7 người còn sống sót ra xử tử hết. Nhưng may mắn là ở Hà Nội kịp thời vào cuộc, lên tiếng phản đối buộc người Mỹ can thiệp, nó mới không bắn mình. Chứ không giờ tất cả chúng tôi giờ đều xanh cỏ”.
Sau này, ông cùng đồng đội bị đày đi nhiều nhà tù, cuối cùng chính là địa ngục trần gian Côn Đảo. Những ngày ở Côn Đảo là những ngày ông nung nấu ý định về với quê hương, về với Cách mạng.
Thế rồi ông cũng vượt ngục thành công, nhưng không còn quay về được với đơn vị cũ vì những người còn sống vẫn trong ngục tù. Ông xin trở về lại quê hương, tiếp tục tham gia du kích cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Chiến tranh kết thúc, ông quen một người con gái khác rồi đi đến hôn nhân, quay về cuộc sống làm nông, trồng lúa, nuôi bò. Thế rồi cứ dịp Tết đến, ông lại tổ chức một ngày giỗ chung cho đồng đội của mình đã hi sinh.
Ngày giỗ chung cho đồng đội
Trong số 7 người của đội 5 bị bắt và đày ra Côn Đảo, 3 trong số đó đã lần lượt qua đời sau khi đất nước giải phóng.
Từ nhiều năm nay, ông đều tổ chức một ngày giỗ chung cho những chiến sỹ cùng đội hi sinh trong trận đánh vào Dinh Độc Lập đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, như một sự nhắc nhở bản thân không được quên những người đã khuất.
Ông Bảy Hôn chia sẻ về việc tổ chức ngày giỗ chung cho đồng đội.
Ngày giỗ này được ông Bảy Hôn tổ chức tại nhà riêng của mình ở xã Trung Lập Thượng. Cứ đúng mùng 1 Tết, những đồng đội còn sống của ông như bà Chín Nghĩa (Vũ Minh Nghĩa), Nguyễn Văn Đực, Nguyễn Đức Hòa cũng tìm về.
Năm nay tròn 50 năm đúng thời điểm lịch sử tấn công vào Dinh Độc Lập, ông Bảy cũng lại tổ chức như mọi năm. Chỉ có khác sẽ tổ chức sớm hơn vào khoảng ngày 28 Tết vì ông có việc bận.
“Năm nay có chút việc thay đổi nên tôi tổ chức sớm hơn một chút, cũng không có gì cao sang, bữa cơm thân mật ngày Tết cũng là để anh em ngồi với nhau hàn huyên chuyện cũ”, ông cười chia sẻ.
Kho hầm vũ khí từng phục vụ trận đánh vào Dinh Độc Lập trong dịp Tết Mậu Thân.
Ông nói dù bây giờ người còn người mất, nhưng ông luôn muốn đồng đội có thể cùng tham dự để chia sẻ với nhau những câu chuyện cũ, ôn lại một thời ký ức oanh liệt.
Ông cũng mong muốn con cháu của những chiến sỹ biệt động đội 5 sẽ nhớ đến và tìm về mỗi lần ông tổ chức giỗ.
Nói rồi ông cau mày, chia sẻ: “Đợt giỗ này tôi có nói thằng Bình, con ông Năm Lai (đồng chí Trần Văn Lai) cố gắng tìm kiếm con của những người đã hi sinh đến gặp và tham dự.
Một phần cũng muốn chúng nó biết về cha nó đã hi sinh thế nào, mà cũng muốn làm cái gì đó cho những người đã mất, để các anh nhắm mắt cũng an lòng. Chúng nó bây giờ nhiều đứa cũng khổ lắm, phải lo cơm áo kiếm sống”.