Thiếu tá Vũ Minh Nghĩa, tên thường gọi Chín Nghĩa là nữ biệt động duy nhất từng tấn công vào Dinh Độc Lập trong chiến dịch Mậu Thân 1968 bị bắt chung với đồng đội vào sáng mùng 3 Tết. Ngay sau khi bị địch bắt, bà cùng đồng đội bị đưa về Công an quận Nhì (nay là quận 1).
“Chúng nhốt mấy anh trong một phòng nhỏ, không ngồi được mà phải đứng, đánh đập hành hạ đủ kiểu. Còn tôi bị thương nên chúng để nằm, còng 2 tay ra phía sau lưng. Lúc đó người dân bị chúng bắt về chung mới phản ứng, bảo đàn bà con gái bị thương mà còng vậy sao người ta nằm, chúng mới đem còng tay tôi ra phía trước.
Đến sáng mùng 4 Tết Mậu Thân, cảnh sát chính quyền Sài Gòn cũ đưa những người bị bắt ra chụp hình và kêu gọi chiêu hồi. Những người bị bắt, bị chúng đánh đập cũng ác liệt không kém gì mặt trận", bà Nghĩa nhớ lại.
Quân địch bắn lên tòa nhà nơi các chiến sỹ đội 5 Biệt động Sài Gòn đang ẩn nấp.
Sau khi đánh đập chán chê mà không thể lay chuyển được ý chí những người cách mạng, chúng nhốt bà và đồng đội vào các nhà tù từ Thủ Đức, Tân Hiệp, Chí Hòa đến ra Côn Đảo.
Khi bị địch đưa lên nhà lao Tân Hiệp, có một lần tập thể tù nhân đấu tranh phản đối, đòi dân sinh dân chủ trong nhà lao.
“Lúc đầu chúng không giải quyết, mình tuyệt thực không ăn uống gì. Tại phòng giam của tôi, chị em nằm tuyệt thực la liệt, thế là chúng tiến hành đàn áp.
Đầu tiên chúng ném lựu đạn cay vào trong phòng, rồi chúng lấy vôi hòa với nước phun vào bên trong. Tất cả chị em đều bị thương, bị phỏng lột da. Có chị nặng quá, nó đưa vào bệnh viện Chợ Quán rồi hy sinh trong đó”, bà Nghĩa rùng mình nhớ lại.
Một lần khác, lúc bà đã bị đày ra Côn Đảo, chúng tiếp tục đàn áp dã man khi tổ chức tù nhân đi lăn tay, chụp ảnh.
Video: Bà Chín Nghĩa kể về cái Tết trong những nhà tù của địch
Đến bữa cơm, chúng đem ra một chén mắm kho, bên trên đầy giòi bọ lúc nhúc, những chiến sỹ kiên trung phải lấy muỗng gạt đi để ăn lớp bên dưới, rau thì chỉ có thể nhai rồi nuốt lấy nước mà nhả bã.
Bà Nghĩa quả quyết: “Mình phải ăn để sống còn chờ ngày ra tù đấu tranh”.
Tuy bị đàn áp, bức hại dã man nhưng chưa bao giờ tinh thần vui vẻ, lạc quan để sống của những người chiến sỹ này vụt tắt. Đặc biệt là vào ngày Tết, anh chị em tù nhân vẫn tổ chức đón xuân bằng những hoạt động đơn sơ, giản dị.
Những ngày còn ở nhà tù Tân Hiệp, cứ vào dịp Tết lại có người nhà tù nhân vào thăm, mang theo nhiều bánh kẹo. Lúc này, bà Nghĩa cùng các nữ tù nhân khác ngồi chung lại với nhau hát hò, cùng đón năm mới.
"Đến năm 1972, chúng cho chúng tôi ra khỏi phòng giam để đón Tết, chúng tôi tổ chức ca hát rồi múa lân, Mình bị giam trong 4 bức tường, nhưng tinh thần, tư tưởng của mình thì không thể giam được", bà Nghĩa tươi cười kể lại.
Bà Chín Nghĩa (ngoài cùng bên trái) trong lần gặp lại đồng đội và các cựu tù nhân.
Đến lúc ra Côn Đảo, không còn bánh kẹo của người nhà đem vào, những người chiến sỹ vẫn ngồi với nhau cùng ca hát vui vẻ, phòng này nối tiếp phòng kia làm không khí nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều lúc bị bọn cai ngục quát tháo, bắt im lặng nhưng tất cả vẫn tiếp tục sinh hoạt tập thể.
Rồi những ngày tháng gian khổ cũng nhanh chóng qua đi khi hiệp định Paris được ký kết. Vì muốn cho cả thế giới thấy tù nhân Côn Đảo được đối xử tử tế, địch cho một số tù nhân nam ra ngoài nấu ăn, trồng rau, cải thiện cuộc sống.
Cứ thế cho đến tháng 3/1974, bà Chín Nghĩa được trao trả về Lộc Ninh (Bình Phước) rồi tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Những ký ức về trận tiến công vào Dinh Độc Lập, về những lần đón Tết nguyên đán trong chốn ngục tù đối với bà Chín Nghĩa là những kỷ niệm không thể nào quên.
Để giờ đây, khi đã an hưởng tuổi già bên cạnh con cháu, bà vẫn còn đau đáu ước nguyện tìm được hài cốt của những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng chiến tranh đau thương.