Huyền sử về mảnh đất “một ấp hai vua”
Sách Đại Việt địa dư toàn biên do Nguyễn Văn Siêu biên soạn ghi rõ: "... Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có 2 đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương”.
Trong cuốn sách này cũng đề cập đến tấm bia được lập từ thời Trần, khẳng định Đường Lâm chính là quê hương của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương – Ngô Quyền.
Văn bia có ghi: “Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền.
Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông-1390) mùa xuân tháng 2, ngày 18 làm bia này...".
Tại Đường Lâm có quần thể di tích đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và lăng mộ Tiền Ngô Vương Ngô Quyền.
Vị vua đầu tiên được sinh ra ở mảnh đất Đường Lâm là Phùng Hưng – con trai trưởng của Phùng Hạp Khanh, là một võ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống lại ách đô hộ của nhà Đường.
Phùng Hưng được cha truyền dạy võ nghệ từ nhỏ, lại có sức khỏe phi thường và tinh thần trượng nghĩa. Ông kế nghiệp cha, trở thành hào trưởng đất Đường Lâm, từng đánh hổ bảo vệ bình yên cho dân làng.
Không muốn để dân chúng lầm than dưới ách đô hộ của nhà Đường mà cụ thể là quan đô hộ Cao Chính Bình, Phùng Hưng cùng dân lập kế vây thành. Sau khi đánh thắng Cao Chính Bình, Phùng Hưng vào Đô hộ phủ trị vì.
Phùng Hưng không xưng vương nhưng sau khi ông mất, con trai ông là Phùng An kế vị, tôn xưng ông là Bố Cái Đại Vương. Từ đây, Phùng Hưng trở thành vị vua đầu tiên sinh ra từ mảnh đất Đường Lâm.
Tranh Phùng Hưng đánh hổ. (Nguồn: NXB Kim Đồng).
Vị vua thứ hai của đất Đường Lâm là Ngô Quyền, được xem là cháu bên ngoại của Phùng Hưng. Ngô Quyền sinh năm 898 trong gia đình hào trưởng có thế lực.
Đại Việt sử ký toàn thư viết về Ngô Quyền: “Khi Ngô Quyền vừa mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, dung mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Ngô Quyền lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc bằng đồng”.
Ngô Quyền lớn lên trong bối cảnh hào trưởng Dương Đình Nghệ nuôi chí đánh quân Nam Hán. Là người có tài, chính trực nên Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ tin yêu, gả con gái cho và giao quyền cai quản Ái châu, đất bản bộ của họ Dương.
Tượng Tiền Ngô Vương Ngô Quyền trong đền thờ tại Đường Lâm.
Sau khi Dương Đình Nghệ bị tên phản đồ Kiều Công Tiễn sát hại, Ngô Quyền khởi binh ra Bắc hỏi tội. Kiều Công Tiễn lo sợ liền chạy sang cầu cứu vua Nam Hán. Tuy nhiên, quân Nam Hán chưa kịp sang đến nơi, Ngô Quyền đã kịp giết Kiều Công Tiễn để báo thù cho cha vợ.
Biết giặc đang nhăm nhe xâm lược, Ngô Quyền đã bày trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng, đánh tan quân Nam Hán. Bình định thù trong giặc ngoài, tháng 1/939, Ngô Quyền lên ngôi, xưng là Ngô Vương, xây dựng nhà nước tự chủ, sử sách gọi là Tiền Ngô Vương.
Mảnh đất địa linh nhân kiệt đã không còn hậu duệ 2 vua?
Là mảnh đất địa linh nhân kiệt nơi đã nuôi dưỡng 2 vị vua nổi tiếng trong sử Việt nhưng đến nay, ở làng Đường Lâm không còn bất cứ người nào mang họ Phùng và Ngô.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm chia sẻ: “Trước đây, trên địa bàn xã có bà Ngô Thị Pháo được xem là người cuối cùng của dòng họ Ngô tại Đường Lâm. Tuy nhiên, bà đã qua đời từ năm 2004 nên hiện tại ở Đường Lâm cũng không còn người mang họ Ngô”.
Ông Dũng còn cho biết thêm: “Xã Đường Lâm có 9 thôn với hơn 11 nghìn nhân khẩu nhưng toàn xã hiện không còn ai mang dòng họ Phùng.
Thậm chí, trên địa bàn xã cũng không có đền thờ của 2 dòng họ này mà chỉ có đền thờ Phùng Hưng và lăng Ngô Quyền. Hằng năm, nhân dân trên toàn xã tổ chức lễ hội tưởng nhớ Phùng Hưng vào ngày mùng 8 tháng giêng và lễ giỗ vua Ngô Quyền vào 14 tháng 8 âm lịch. Đây cũng là hai lễ hội lớn nhất của xã Đường Lâm trong năm”.
Cụ Phan Văn Thắng – người đã bước vào tuổi thất thập cổ lai ly, người làng Đường Lâm cho biết: “Hiện ở đây đã không còn người họ Phùng hay họ Ngô nữa. Trước đây có bà cụ Pháo là người họ Ngô, thọ tới trăm tuổi nhưng cũng đã qua đời rồi, còn họ Phùng thì lâu lắm rồi chúng tôi không thấy có.
Nhưng ở thôn Cam Lâm bây giờ vẫn còn đền thờ 2 vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Vào ngày hội tưởng nhớ các vị, người của 2 dòng họ Phùng và Ngô từ khắp nơi trên đất nước quy tụ về, sửa lễ dâng cúng”.
Cụ Nguyễn Văn Yên, thủ nhang đền thờ Ngô Quyền.
Ông Nguyễn Văn Yên – thủ nhang tại đền thờ Ngô Quyền cho biết, trên địa bàn thôn Cam Lâm hiện có đền thờ Phùng Hưng và lăng vua Ngô Quyền, song vì không còn người của 2 dòng họ này nên chính quyền, nhân dân trong xã đã cử người luân phiên trông coi, chăm sóc các khu di tích này.
Ông Yên cho hay: “Theo lời các cụ trong làng, cách đây khoảng 500 năm, dòng họ Phùng đã không còn xuất hiện tại làng Đường Lâm nữa, chỉ còn một số ít người mang họ Ngô.
Bản thân tôi là cháu họ bên nội của cụ Ngô Thị Pháo – người mang họ Ngô cuối cùng của làng Đường Lâm, hiện được người dân cử ra trông coi khu đền thờ Phùng Hưng. Hiện cụ Pháo đã mất nên giờ cũng không còn người họ Ngô ở Đường Lâm nữa”.
Cụ Ngô Thị Pháo sinh thời được xem là người họ Ngô cuối cùng ở Đường Lâm.
Theo lời ông Yên: “Cụ Ngô Thị Pháo là con của cụ Ngô Văn Bông từng tham gia nghĩa quân Cờ Đen chống Pháp, sau bị giặc đưa đi mất tích. Gia đình cụ Ngô Thị Pháo có 2 người con là cụ Pháo và anh trai là Ngô Văn Xe. Tuy nhiên cụ Xe đã sớm về với tổ tiên nên chỉ còn lại cụ Pháo”.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều người dân trong làng chỉ còn nhớ tới cụ Ngô Thị Pháo với danh xưng “người họ Ngô cuối cùng ở Đường Lâm”. Theo các tài liệu trước đó, cụ Ngô Thị Pháo chỉ sinh được 1 người con, đặt tên là Nguyễn Văn Được. Năm 37 tuổi, chồng cụ Pháo qua đời, cụ ở vậy nuôi con.
Dù mang dòng họ Ngô và được xem là hậu duệ của vua Ngô Quyền nhưng sinh tiền cụ Ngô Thị Pháo sống trong cảnh thanh bần, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Ông Nguyễn Văn Được cũng không khấm khá gì, các con ông sau này đều tất bật lo làm ăn, chuyện cụ nội của họ được xem là “người họ Ngô cuối cùng ở Đường Lâm” cũng dần phai nhạt. Bởi các cháu, chắt của cụ đều là người của dòng họ khác, dòng máu họ Ngô ở Đường Lâm đã gián đoạn kể từ khi cụ Ngô Thị Pháo về với tổ tiên.
Lăng vua Ngô Quyền tại Đường Lâm được xây dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874) và trùng tu năm Minh Mệnh thứ 2 (1821).
Ông Yên cho biết thêm, không chỉ không còn người của dòng họ Phùng, Ngô mà các văn bản, gia phả của hai dòng họ này cũng không còn vết tích tại Đường Lâm.
Ông Nguyễn Trọng An – Phó Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm nhận định, việc 2 dòng họ Phùng và Ngô bị mai một tại Đường Lâm là do đặc thù về lịch sử: “Thời phong kiến, kẻ thù thường tìm cách xóa sổ những dòng họ có các nhân tài kiệt xuất để trừ hậu họa. Để tránh mối họa diệt vong, người của các dòng họ này thường thay tên đổi họ hoặc di cư sang vùng đất khác.
Có lẽ vì thế mà hiện tại ở làng Cam Lâm, xã Đường Lâm đã không còn những người thuộc dòng họ Phùng và Ngô nữa.
Tuy nhiên, vào những ngày lễ hội tưởng nhớ 2 vị vua, những ngày chạp tổ, người của dòng họ Phùng và họ Ngô ở khắp nơi vẫn về đây dự lễ, thể hiện sự tôn kính với quê hương và các vị tiền nhân”.
Lưu bút của cố Tổng bí thư Đỗ Mười khi về thăm Đường Lâm năm 1997.
Cụ Phan Văn Thắng cũng có cùng quan điểm với ông An trong việc lý giải sự mai một của dòng họ Phùng và Ngô tại Đường Lâm.
Cụ Thắng cho hay: “Thời của 2 vị Phùng Hưng và Ngô Quyền đã cách đây hàng nghìn năm, trải qua bao lần chiến loạn nên việc người ta thay tên đổi họ và đi lưu bạt khắp nơi cũng là điều dễ hiểu”.
Trên thực tế, nhiều sử sách đã ghi lại việc các dòng họ quyền quý sau khi thất thế, đã phải ly tán khắp nơi, thay tên đổi họ để tránh sự trả thù. Theo Phả ký họ Ngô Việt Nam, khi nhà Ngô thất thế, cháu ruột của Ngô Quyền là Ngô Nhật Chung đã về Đại Điền, Tả Thanh Oai, Hà Nội bây giờ để sinh sống.
Cọc Bạch Đằng được lưu giữ tại đền thờ Ngô Quyền.
Trong cuốn Phùng Hưng, Ngô Quyền lịch sử truyền thuyết và dòng tộc của nhà nghiên cứu Phan Thị Bảo có nhận định: "Dòng tộc họ Phùng thiên cư đi khắp mọi miền Tổ quốc. Hiện nay chưa có tài liệu nào tổng hợp về sự thăng trầm, sẻ chia và sinh sôi của dòng họ Phùng một cách hoàn hảo.
Chỉ biết rằng ở Đường Lâm không có một người nào mang dòng họ Phùng. Rất có thể do thăng trầm của lịch sử mà đương thời các vị con cháu họ Phùng ở Đường Lâm phải chuyển sang họ khác hoặc di chuyển đi các nơi...".
Đến nay, việc Đường Lâm không còn người họ Phùng và họ Ngô vẫn để lại nhiều tiếc nuối cho những người quan tâm tới lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, dù cho ở Đường Lâm đã không còn người của họ Phùng và họ Ngô, trang sử hào hùng của mảnh đất “một ấp hai vua” vẫn sáng chói trong lòng mỗi người con đất Việt.