Video lan truyền trên Telegram về vụ vỡ đập.
Thị trưởng Vladimir Leontyev xác nhận với RIA Novosti rằng phần trên của đập này “đã bị phá hủy do một cuộc tấn công”. Con đập được báo cáo bị hư hại vào khoảng 3h sáng giờ địa phương. Một video được quay từ máy bay không người lái lan truyền trên Telegram, cho thấy hậu quả với những dòng nước chảy qua đập.
Sau đó, đến khoảng 7 giờ sáng, thống đốc khu vực Oleksandr Prokudin cho biết trên Telegram rằng đập đã bị vỡ, và nước đang tràn vào thành phố. “Trong vòng 5 giờ tới, nước sẽ đạt đến mức nguy kịch”, ông nói.
Hình ảnh đập từ trên cao cuối năm 2022.
Một số video trên mạng xã hội cho thấy hàng loạt vụ nổ dữ dội xung quanh đập. Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cũng đã đưa tin rằng đập lớn ở vùng Kherson đã bị phá hủy và khu vực đang bị ngập lụt.
Thống đốc Kherson cho biết thêm, việc sơ tán các khu vực gần đập đã bắt đầu.
TASS trích dẫn tin từ các cơ quan cứu hộ cho biết khoảng 80 khu định cư trong khu vực có thể bị ảnh hưởng do đập Kakhovskaya bị phá hủy.
Con đập cao 30m và dài 3,2km được xây dựng vào năm 1956 trên sông Dnieper như một phần của nhà máy thủy điện Kakhovskaya.
Nó có một hồ chứa 18 km3, cung cấp nước cho các khu vực trong đó có bán đảo Crimea, nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, cả hai đang do Nga kiểm soát.
Hiện một quan chức ở vùng Zaporizhzhia cho biết chưa có "nguy cơ nghiêm trọng" nào đối với nhà máy hạt nhân do sự cố vỡ đập.
Cả lực lượng Ukraine và Nga đều cáo buộc bên kia đã tấn công con đập. Nhưng TASS, trích dẫn một nguồn giấu tên, nói rằng đó là một đêm yên tĩnh và không có cuộc không kích nào.
Reuters trong khi đó nói không thể xác minh độc lập các báo cáo cũng như tường thuật trên chiến trường.
Moskva nhiều lần đổ lỗi cho Kiev thực hiện nhiều cuộc tấn công vào đập Kakhovskaya, đồng thời cảnh báo rằng một vụ vỡ đập có thể gây ra thảm họa và dẫn đến cái chết của hàng nghìn dân thường. Đổi lại, Ukraine tuyên bố rằng Nga đã lên kế hoạch cho nổ tung con đập nhằm đổ tội cho Kiev.
Mối đe dọa dai dẳng được cho là một trong những lý do chính khiến dân thường sơ tán khỏi khu vực này, và cuối cùng là lực lượng Nga rút khỏi thành phố Kherson đến tả ngạn sông Dnieper.
Các quan chức vào thời điểm đó cảnh báo rằng nhiều khu vực trong khu vực, bao gồm cả thành phố Kherson, có thể bị ngập lụt nếu đập Kakhovskaya bị phá hủy.
Nga tuyên bố vùng Kherson là một phần của mình vào đầu tháng 10, cùng với Zaporizhzhia, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng. Ukraine và một số nước phương Tây không công nhận các cuộc trưng cầu dân ý liên quan.
Kiev được cho là đã cân nhắc cho nổ tung con đập để làm tê liệt lực lượng của Moskva tại thành phố Kherson – và thậm chí “tiến hành một cuộc tấn công thử nghiệm bằng bệ phóng HIMARS vào một trong những cửa xả lũ” của đập.