Theo Grayzone, một cơ quan truyền thông Mỹ, ủng lặn tương tự như loại được các thợ lặn quân đội Mỹ và Ukraine sử dụng đã được tìm thấy gần một trong những đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) bị vỡ, trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển ở biển Baltic.
Phóng viên Jeffrey Brodsky của tờ báo tham gia vào những gì được mô tả là chuyến thám hiểm độc lập đầu tiên đến địa điểm xảy ra vụ phá hoại. Grayzone sau đó công bố một đoạn video quay từ máy bay không người lái dưới nước, cho thấy vật thể giống như một chiếc ủng lặn màu đen và cam nằm dưới đáy biển, gần nơi dường như là phần còn lại của đường ống dẫn khí đốt Nga.
Hình ảnh khí gas rò rỉ ở đường ống.
Đoạn phim được thực hiện vào ngày 24/5, trong đó Brodsky đi đến địa điểm vụ nổ trên con tàu cùng với kỹ sư người Thụy Điển Erik Andersson.
Grayzone nói mẫu ủng rất giống với mẫu mà Hải quân Mỹ sử dụng. Các thợ lặn của Hải quân Ukraine do các chuyên gia Mỹ huấn luyện cũng từng được nhìn thấy sử dụng trang bị tương tự. Tuy nhiên, những đôi bốt có hình dáng giống như vậy cũng có sẵn tại một số cửa hàng thương mại.
Chiếc ủng được phát hiện chỉ cách một vị trí rò rỉ nhỏ trong đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 khoảng 5 m.
Andersson liên hệ với Nord Stream 2 AG, công ty vận hành các đường ống của Nga. Và công ty này phủ nhận “rõ ràng” việc sử dụng thợ lặn để xây dựng hoặc bảo trì đường ống trong khu vực. Công ty cũng nói với nhà điều tra độc lập này rằng lần đầu tiên họ phát hiện ra chiếc ủng vào tháng 2/2023 và đã báo cáo với các nhà điều tra Thụy Điển.
Cho đến nay, không có tổ chức nào hay cá nhân nào nhận trách nhiệm về vụ nổ khiến ba trong số bốn đường ống dẫn khí đốt dưới biển của Nga không thể sử dụng được vào cuối tháng 9/2022. Vụ việc xảy ra ngay sau khi Moskva giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, trong bối cảnh làn sóng phương Tây trừng phạt Nga vì hoạt động quân sự ở Ukraine.
Vào tháng 2, Seymour Hersh, nhà báo điều tra từng đoạt giải Pulitzer, đã trình bày một số bằng chứng về các vụ tấn công mà ông cho rằng có liên quan đến Washington. Tạp chí Der Spiegel của Đức trong khi đó nhiều lần đưa tin về cái mà họ gọi là bằng chứng liên kết các vụ nổ với công dân Ukraine.
Đức, Thụy Điển và Đan Mạch từng tiến hành các cuộc điều tra về vụ việc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả nổi bật nào được công khai. Moskva cũng vướng vào các nghi vấn có liên quan đến vụ nổ nhưng đã phủ nhận.