Thời gian và địa điểm dịch COVID-19 bùng phát lần đầu
Đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên có thể đã diễn ra ở khu vực xa hơn thành phố Vũ Hán về phía nam vào tháng 9/2019, các nhà khoa học dẫn đầu là trường Đại học Cambridge nhận định.
Các nhà nghiên cứu đang điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 đã phân tích một số lượng lớn các chủng virus SARS-CoV-2 trên khắp thế giới và tính toán được rằng đợt bùng phát dịch bệnh ban đầu đã xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 13/9 - 7/12.
"Virus có lẽ đã biến chủng sang một dạng thức đầy đủ "có thể hoạt động hiệu quả trong cơ thể con người" cách đó một vài tháng, nhưng vẫn tồn tại trong dơi hoặc các loài động vật khác hay thậm chí ở trong con người một vài tháng mà không lây nhiễm cho những người khác", nhà di truyền học Peter Forster thuộc Đại học Cambridge cho biết ngày 16/4.
(Ảnh minh họa: Shutterstock)
"Sau đó, virus này bắt đầu lây nhiễm và lan rộng sang con người từ ngày 13/9 - 7/12, tạo nên một mạng lưới như chúng tôi đã trình bày trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences [PNAS]".
Đội ngũ các nhà khoa học đã phân tích các chủng virus SARS-CoV-2 sử dụng mạng lưới phát sinh loài - một thuật toán có thể sơ đồ hóa sự biến đổi của các sinh vật trên toàn cầu thông qua sự biến chủng về gen của những sinh vật này.
Giới nghiên cứu đang nỗ lực xác định vị trí của bệnh nhân số 0, song một số dấu hiệu ban đầu đang khiến họ tập trung vào những khu vực ở phía nam Vũ Hán - nơi ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 12/2019.
"Những gì chúng tôi tái xây dựng trong mạng lưới trên là nghiên cứu về sự lây nhiễm đáng kể đầu tiên của dịch COVID-19 trong con người", chuyên gia Forster cho biết.
Đội ngũ các nhà khoa học của Cambridge gần đây đã thu hút sự chú ý của dư luận khi công bố một bài báo về lịch sử tiến hóa của virus SARS-CoV-2.
Được công bố trên PNAS vào tháng này, bài báo trên chỉ ra rằng hầu hết các chủng virus SARS-CoV-2 được lấy mẫu ở Mỹ và Australia đều có mối liên hệ gần gũi hơn về gen với virus được tìm thấy trên dơi so với các chủng virus thường thấy ở các bệnh nhân tại Đông Á và chủng virus ở châu Âu là một biến thể của chủng virus SARS-CoV-2 ở Đông Á.
Vũ Hán có hơn 3.000 người chết vì COVID-19 theo thống kê mới cập nhật.
Tuy nhiên, bài báo này chỉ xem xét trên 160 chủng đầu tiên được thu thập sau thời gian cuối tháng 12 năm ngoái. Quy mô mẫu nhỏ đã hạn chế khả năng xác định khi nào và nơi nào đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên đã diễn ra.
Trong một nghiên cứu mới vẫn chưa được các nhà khoa học khác đánh giá, Forster cùng các đồng nghiệp của ông đến từ các viện nghiên cứu đã mở rộng cơ sở dữ liệu, trong đó bao gồm 1.001 trình tự gen đầy đủ chất lượng cao được các nhà khoa học trên khắp thế giới công bố.
Càng nhiều chủng của virus SARS-CoV-2 được phân tích, các nhà khoa học càng có thể theo dõi chính xác nguồn gốc của virus này. Bằng cách tính toán các biến chủng, họ có thể tiến gần hơn đến việc xác định khi nào người đầu tiên đã mắc một chủng virus SARS-CoV-2 có mối liên hệ gần gũi nhất với virus được phát hiện trên dơi.
Virus SARS-CoV-2 tương đồng về gen tới 96% so với một loại virus corona được các nhà khoa học Trung Quốc phân lập từ phân của loài dơi ở tỉnh Vân Nam vào năm 2013.
Tuy nhiên, có hàng trăm biến chủng giữa virus SARS-CoV-2 và virus corona ở Vân Nam và một loại virus corona thường sẽ tạo ra được 1 biến chủng mỗi tháng. Một số nhà khoa học vì vậy nghi ngờ virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lan rộng ở vật chủ và con người trong nhiều năm rồi dần dần tiến hóa sang dạng có khả năng thích nghi cao để lây nhiễm từ người sang người.
Đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên có thể là một sự kiện gần đây liên quan đến một vài biến chủng đã hoàn tất quá trình thay đổi từ một chủng virus vô hại sang virus có khả năng gây ra dịch bệnh nguy hiểm.
Italy là quốc gia châu Âu chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt tấn công của COVID-19.
Chuyên gia Forster cho biết: "Tôi cho rằng sự lan rộng ban đầu của virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu lan rộng ở khu vực phía nam của Trung Quốc hơn là ở Vũ Hán. Nhưng chúng ta chỉ có thể có bằng chứng từ việc phân tích nhiều dơi hơn, hoặc cũng có thể là các vật chủ có nguy cơ khác, cũng như lưu giữ các mẫu bệnh phẩm ở các bệnh viện Trung Quốc từ tháng 9 – 12/2019".
"Dự án nghiên cứu kiểu này sẽ giúp chúng ta hiểu được sự lây nhiễm đã diễn ra như thế nào và giúp chúng ta ngăn cản những tình huống tương tự trong tương lai".
Những hạn chế nhất định
Su Bing - một nhà nghiên cứu về gen tại Viện Động vật Côn Minh ở Vân Nam cho biết, mạng lưới phát sinh loài là công cụ đáng tin được sử dụng để phát hiện gen trong hàng thập kỷ và có thể áp dụng trên quy mô lớn, trong đó có việc theo dõi sự biến đổi của người tiền sử.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định. Sự chính xác về thời gian dựa trên mạng lưới phát sinh loài bị ảnh hưởng bởi các quy mô mẫu và giả định về tốc độ biến chủng.
Video: Bản tin COVID-19 ngày 17/4
Trong một đợt bùng phát chưa từng có tiền lệ, virus SARS-CoV-2 có thể đã trải qua sự biến đổi theo những mẫu hình không thể đoán trước được.
"Vì thế mô hình này không chính xác lắm bởi sẽ luôn có một vài sai số", chuyên gia Su Bing cho biết.
"Nghiên cứu này sẽ đưa ra một số bằng chứng quan trọng cho những cuộc điều tra trong tương lai nhưng những kết luận của nó nên được xem xét cẩn thận”, chuyên gia này đánh giá.
Nghiên cứu của Đại học Cambridge cũng làm dấy lên những câu hỏi mới. Chủng virus đầu tiên được phân lập và được các nhà khoa học Trung Quốc công bố thực sự "trẻ" hơn so với chủng virus ban đầu đã khiến dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, tại sao ở Mỹ lại có nhiều chủng virus SARS-CoV-2 có mối liên hệ gần gũi với virus trên dơi hơn là tại Vũ Hán cũng là một câu hỏi làm nóng các cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu.
Theo chuyên gia Forster, có thể chủng virus ban đầu đã xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc nhưng sau đó có khả năng thích nghi cao hơn trong điều kiện môi trường và dân số Mỹ.