Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao tham vọng chế tạo máy bay của Indonesia 'đứt gánh'?

(VTC News) -

Tham vọng hàng không của Indonesia đã có từ giữa những năm 1990 nhưng kế hoạch chế tạo máy bay nội địa của nước này vẫn chưa thành công.

Đầu những năm 1990 ngành công nghiệp chế tạo máy bay ở Indonesia được đánh giá có tiềm năng to lớn và là động lực giúp kinh tế nước này phát triển. Ngay từ năm 1980, Indonesia đã trở thành đối tác cung cấp nhiều bộ phận và linh kiện cho các hãng chế tạo máy bay nổi tiếng như Boeing (Mỹ) hay Airbus (châu Âu).

Điều này được hiện thực hóa vào ngày 10/8/1995, nguyên mẫu IPTN N-250 - máy bay chở khách cánh quạt đầu tiên do Indonesia tự thiết kế và chế tạo cất cánh thành công lần đầu tiên tại thành phố Bandung. Tuy nhiên vận may của ngành công nghiệp máy bay của Indonesia nhanh chóng kết thúc với tai nạn của N-250 một năm sau đó khiến 6 phi hành đoàn thiệt mạng.

Đến năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gần như đánh gục ngành sản xuất máy bay của Indonesia và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển N-250. Cuối cùng chương trình chế tạo máy bay cũng bị bỏ dỡ.

Nguyên mẫu máy bay chở khách N-250 do Indonesia phát triển. (Ảnh: Peter Vercruijsse)

Vượt qua khủng hoảng

Sau nhiều nỗ lực vươn lên để giành lại vị trí, ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Indonesia giờ đây đang sẵn sàng phát triển trở lại khi hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á này là Dirgantara Indonesia (DI) và Regio Aviasi Industri (RAI) đang không ngừng mở rộng thị trường kinh doanh và liên tục nghiên cứu phát triển các thế hệ máy bay mới.

Thay vì đầu tư quá nhiều vào việc thiết kế máy bay mới, ngành công nghiệp chế tạo máy bay Indonesia lựa chọn tiếp tục phát triển các dòng máy bay cánh quạt cỡ nhỏ mua giấy phép sản xuất từ các công ty châu Âu. Điển hình như các dòng máy bay cánh quạt CN-235, NC-212 và gần đây là  N-219.

Từ năm 2012, DI đã cho ra đời gần 60 chiếc máy bay các loại, trong đó có cả các máy bay động cơ phản lực và máy bay trực thăng. Các sản phẩm của DI đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Senegal và Thái Lan.

Hiện nay, DI tập trung vào phát triển máy bay vận tải hạng nhẹ N-219, phục vụ cho các hoạt động đặc thù tại những khu vực vùng sâu, vùng xa của nước này. Bên cạnh đó, DI cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc để phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 IF-X/KF-X (KF-21) cung cấp cho cả không quân Indonesia và không quân Hàn Quốc.

Ngoài ra DI còn muốn lấy lại giấy phép sản xuất CASA's CN-295 - một máy bay vận tải chiến thuật hạng trung hiện đang được Airbus Industries chế tạo. Không quân Indonesia hiện cũng đang vận hành dòng máy bay này.

Bên trong dây chuyền lắp ráp máy bay vận tải N-219 của Indonesia. (Ảnh: Jakarta Post)

Được thành lập vào năm 1976, DI được biết đến với tên gọi Nhà máy sản xuất công nghệ bay Nusantara. Giai đoạn này, DI đã tuyển dụng hơn 16.000 nhân viên và trở thành nhà thầu phụ cho các tập đoàn công nghiệp máy bay lớn của thế giới như Boeing, Airbus, General Dynamics và Fokker…  

Đang trên đà phát triển mạnh mẽ, DI không may mắn khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 tại châu Á. Thời điểm đó, Indonesia là một trong những nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất. Cuộc khủng hoảng tài chính buộc DI phải thu hẹp hoạt động, trì hoãn các kế hoạch phát triển máy bay mới và cắt giảm hơn 12.000 việc làm. 

Theo chia sẻ trên website, DI cho biết kể từ năm 1979 cho đến nay công ty đã sản xuất 466 máy bay và trực thăng, bao gồm hơn 200 chiếc CN-235 và 120 chiếc NC-212/N-219.

Ngoài DI, Indonesia còn có RAI, một doanh nghiệp công nghệ hàng không tư nhân nổi tiếng đang phát triển máy bay R-80, loại máy bay vận tải hạng nhẹ có sức chứa 80 chỗ ngồi. Tuy nhiên chương trình phát triển R80 của RAI đang gặp nhiều trở ngại.

Chế tạo máy bay không đơn giản

Bên cạnh những tiềm năng phát triển, sự hồi sinh của ngành công nghiệp chế tạo máy bay Indonesia cũng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc hỗ trợ vốn, công nghệ an toàn bay và vấn đề bảo trì sau quá trình sản xuất. 

Trong những năm qua, Indonesia đã ký thỏa thuận xuất khẩu máy bay N-219 để xuất sang thị trường Trung Quốc và Mexico. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia cũng rất quan tâm đến mẫu máy bay này và mong muốn cùng hợp tác với Indoensia để sản xuất và xuất khẩu sang thị trường châu Phi.

Một vấn đề lớn đang cản trở DI trong việc xuất khẩu sản phẩm của mình, đó là máy bay N-219 vẫn chưa được chứng nhận an toàn bay do thiếu ngân sách tài chính để thực hiện các chuyến bay thử nghiệm.

Nếu N-219 vượt qua các bài bay kiểm tra, nó sẽ nhận được chứng nhận từ Bộ Giao thông Vận tải Indonesia. Nếu không có chứng nhận an toàn, N-219 không thể được đưa ra thị trường trong và ngoài nước. 

CN-235, NC-212 và N-219 là các dòng sản phẩm chính của ngành công nghiệp chế tạo máy bay Indonesia.

Trong khi đó, dự án IF-X/KF-X đã bị đình chỉ vào giữa năm 2018 do những bất đồng trong hợp đồng giữa Indonesia và Hàn Quốc về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp thị sản phẩm. Một số vấn đề về tài chính, thủ tục hay các vấn đề liên quan đến chính trị giữa hai nước cũng làm trì hoãn dự án này. 

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế tạo máy bay Indonesia cũng đối mặt với rất nhiều thách thức, như thiếu nguồn nhân lực, thiếu đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật bảo trì các sản phẩm sau khi sản xuất. Việc bảo trì kém là do thiếu các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Việc bảo trì kém sẽ gây ra những sự cố an toàn bay nghiêm trọng, đe dọa đến sự tồn vong của các doanh nghiệp sản xuất công nghệ bay. Trong lịch sử ngành vận tải hàng không 100 năm qua, Indonesia đã ghi nhận 147 vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Trong đó, máy bay của DI cũng được ghi nhận liên quan đến đến vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng vào năm 2011. 

Tất cả những khó khăn trên là lực cản khiến ngành chế tạo máy bay của Indonesia phát triển chậm hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, mặc dù ngành này của Indonesia được đánh giá là một ngành công nghiệp có tiềm năng. 

Theo thống kê của Công ty tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan, trong số các quốc gia Đông Nam Á, giá trị thương mại các sản phẩm hàng không vũ trụ của Indonesia vẫn thấp hơn so với Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Trong năm 2017, xuất khẩu hàng không vũ trụ của Indonesia chỉ đạt 103,9 triệu USD, trong khi xuất khẩu của Singapore và Malaysia lần lượt đạt 7,4 tỷ USD và 2,1 tỷ USD.

Để phát huy được tiềm năng to lớn của ngành chế tạo máy bay, Indonesia cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn nêu trên.

Hiện tại Indonesia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có khả năng sản xuất các thế hệ máy bay phức tạp. Các quốc gia khác như Singapore, Malaysia và Thái Lan tập trung nhiều hơn vào các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và đại tu, cũng như sản xuất các linh kiện hàng không. 

Trong khi đó, DI của Indonesia đã sản xuất các loại máy bay động cơ phản lực và các loại máy bay trực thăng khác nhau, bao gồm cả máy bay vận tải cung cấp cho các hãng hàng không dân dụng và các loại máy bay quân sự. DI thậm chí còn sản xuất một số bay trực thăng theo đơn đặt hàng của Airbus Helicopters và Bell Direct Textron. 

Tiêm kích tàng hình KF-21 Indonesia hợp tác với Hàn Quốc phát triển đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Để đạt được những thành công, điều quan trọng là Chính phủ Indonesia phải cung cấp sự hỗ trợ toàn diện. Chẳng hạn, chính phủ với tư cách là một trong những cổ đông của DI có thể cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp DI có được chứng nhận an toàn bay cho máy bay N-219.

Chính phủ Indonesia cũng có thể giúp DI tổ chức các cuộc hội đàm với các quốc gia như Mỹ và các nước châu Âu để quảng bá các sản phẩm công nghệ hàng không, từ đó giúp doanh nghiệp đạt chứng nhận an toàn bay từ các cơ quan quản lý hàng không quốc tế.

Đối với dự án IF-X/KF-X, Chính phủ Indonesia phải thuyết phục được phía Hàn Quốc đồng ý về quyền sở hữu trí tuệ của Indonesia đối với máy bay IF-X/KF-X và đảm bảo việc chuyển giao công nghệ thuận lợi cho Indonesia cũng như cho phép Indoensia tự do xuất khẩu loại máy chiến đấu này.

Để thúc đẩy ngành chế tạo máy bay, Indonesia cũng cần nhanh chóng kiện toàn đội ngũ kỹ sư, chuyên gia và nhân viên kỹ thuật để cải thiện quy trình bảo trì và đảm bảo tính an toàn trong mỗi sản phẩm do các hãng chế tạo máy bay Indonesia sản xuất.

Trà Khánh (Tổng hợp)

Tin mới