Vài tháng sau khi Malaysia quyết định mua máy bay không người lái Anka của Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia cũng đã làm theo và đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI), nhằm bổ sung những chiếc máy bay không người lái hiện đại cho quân đội của mình.
Ngày 1/8, Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo họ đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để mua 12 máy bay không người lái tiên tiến trị giá 300 triệu USD, đánh dấu một bước nữa trong nỗ lực hiện đại hóa thiết bị quân sự của nước này.
Thỏa thuận với Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ có trụ sở tại Ankara đã được ký kết vào tháng 2, với việc chuyển giao máy bay không người lái dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 32 tháng kể từ khi ký kết.
Thỏa thuận toàn diện không chỉ bao gồm việc mua sắm máy bay không người lái, mà còn cung cấp các điều khoản cho công tác đào tạo cơ bản và huấn luyện chuyến bay mô phỏng.
Mặc dù tuyên bố chính thức về các mẫu máy bay không người lái cụ thể vẫn còn được giữ bí mật, nhưng các nguồn truyền thông đã trích dẫn lời của Tổng giám đốc TAI, ông Temel Kotil xác nhận rằng thỏa thuận sẽ bao gồm các phương tiện bay không người lái có khả năng sát thương Anka.
Năm nay, Bộ Quốc phòng Indonesia đã được cấp khoản phân bổ lớn nhất từ tổng ngân sách của đất nước, với tổng trị giá 134,3 nghìn tỷ rupiah (8,89 tỷ USD). Đây là hành động cụ thể hóa cam kết củng cố năng lực quân sự của nước này.
Máy bay không người lái Anka.
Vào tháng 1/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Prabowo Subianto đã ký kết thành công một thỏa thuận trị giá 800 triệu USD, để mua 12 máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 đã qua sử dụng của Qatar. Tháng 2/2022, Indonesia cũng đã tiến hành mua 42 máy bay chiến đấu Rafale, trị giá 8,1 tỷ USD, số tiền sẽ được trả góp trong nhiều năm.
Theo thỏa thuận mới, lô hàng đầu tiên gồm sáu chiếc UAV Anka sẽ được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi sáu chiếc tiếp theo sẽ được lắp ráp tại Indonesia thông qua chương trình chuyển giao công nghệ hợp tác với công ty quốc phòng PT Dirgantara Indonesia.
Thỏa thuận này nhằm nâng cao năng lực chế tạo nội địa của Indonesia, đồng thời thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong sản xuất và công nghệ máy bay không người lái.
Máy bay không người lái Anka
Anka là máy bay không người lái tầm trung được thiết kế cho các nhiệm vụ giám sát lâu dài. Thời gian hoạt động ấn tượng lên đến 30 giờ, máy bay có thể bay ở độ cao lên đến 9.000m và phạm vi hoạt động lên tới 250 km.
UAV tiên tiến này rất phù hợp cho các hoạt động trinh sát và giám sát mở rộng, điều này khiến nó trở thành vũ khí quan trọng cho các nhiệm vụ quốc phòng và tình báo.
Thiết kế của UAV Anka được làm chủ yếu từ vật liệu tổng hợp, ngoài ra một số phụ kiện và bộ phận quan trọng được làm từ vật liệu có độ bền cao. Theo nhà sản xuất TAI, Anka là một nền tảng đã được thử nghiệm trong chiến đấu, chiếc UAV này đã chứng minh tính hiệu quả trong các hoạt động quân sự khác nhau, ngay cả trong những môi trường đầy thách thức với sự can thiệp của chiến tranh điện tử.
Máy bay không người lái Anka được trang bị một loạt các cảm biến, cho phép nó thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm tình báo, giám sát, trinh sát (ISR), xác định mục tiêu, tấn công không đối đất, giám sát hàng hải, bảo vệ biên giới và bờ biển, chuyển tiếp liên lạc, tiến hành chiến tranh điện tử và hoạt động tình báo tín hiệu.
UAV Anka.
Ra mắt vào năm 2010, Anka đã ký hợp đồng ban đầu với Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013, đánh dấu bước khởi đầu triển khai thành công và được công nhận trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Hiện tại, Công ty Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ có năng lực sản xuất 5 chiếc Anka mỗi tháng. Tuy nhiên, công ty đang chuẩn bị nâng cao năng lực này trong tương lai gần, để đáp ứng nhu cầu nước ngoài ngày càng tăng đối với máy bay không người lái Anka.
UAV Anka đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ một số quốc gia và sự phổ biến của nó đã giúp nhiều đơn hàng được xuất khẩu sang các quốc gia như Tunisia, Kazakhstan, Malaysia, Algeria và Chad.
Để mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường châu Á, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực tập trung vào các công nghệ thế hệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và hàng không.
Công ty đã thành lập văn phòng tại Indonesia sau khi thành lập văn phòng kỹ thuật và thiết kế tại Malaysia vào tháng 11/2021, với mục đích khám phá các cơ hội tiềm năng cho các dự án quốc phòng và hàng không tại Đông Nam Á. Các dự án triển vọng bao gồm phát triển máy bay không người lái, máy bay huấn luyện phản lực và hệ thống máy bay trực thăng.
Vào tháng 5/2023, TAI đã giành được hợp đồng trị giá khoảng 100 triệu USD để cung cấp ba hệ thống máy bay không người lái đa năng Anka cho Malaysia. Kuala Lumpur đã mua những máy bay không người lái này để tăng cường khả năng của Lực lượng Không quân.
Hơn nữa, TAI cũng tham gia rất nhiều vào việc phát triển một loại máy bay chiến đấu không người lái tàng hình tấn công tầm xa được gọi là Anka-3.
Ngoài dòng Anka, TAI đang tích cực sản xuất máy bay không người lái chiến đấu Aksungur, một minh chứng cho việc tập đoàn này mở rộng danh mục sản phẩm trong ngành công nghiệp quốc phòng.