Từ năm 1995 - khi hành tinh đầu tiên quanh một ngôi sao dạng Mặt Trời được phát hiện - cho tới nay, đã có tất cả hơn 5.000 hành tinh như thế được xác nhận bởi các nhà thiên văn, và chắc chắn con số sẽ tăng lên rất nhanh trong những năm tiếp theo.
“Với đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng và chứa ít nhất 100 tỷ sao, thiên hà có ít nhất 50 tỷ hành tinh. Tìm kiếm và hiểu về các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời không chỉ để tìm điểm đến cho tương lai xa của nhân loại, mà còn là cách để hiểu hơn về chính cách chúng ta ra đời, những gì sẽ đợi hệ hành tinh của chúng ta trong tương lai. Việc tìm kiếm còn để hiểu biết hơn về vũ trụ và trả lời cho câu hỏi cuối cùng: Liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ?”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) chia sẻ tại sự kiện Những thế giới xa hơn Mây Oort diễn ra sáng 16/10.
(Ảnh minh họa: IAU)
Tháng 12/2021, kính thiên văn không gian James Webb - chiếc kính thiên văn không gian lớn nhất, cũng là kính thiên văn hồng ngoại lớn nhất trong lịch sử - được phóng vào không gian. Nửa năm sau, ở nơi cách Trái Đất 1,5 triệu kilomet, nó bắt đầu gửi về cho các nhà khoa học những hình ảnh đầu tiên với độ sắc nét chưa từng có về vũ trụ. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chiếc kính này là tìm kiếm và xác định đặc điểm của các ngoại hành tinh.
Tại sự kiện, đại diện VACA chia sẻ thông tin từ Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) tổ chức cuộc thi đặt tên cho các ngoại hành tinh lần thứ ba. Cuộc thi với mục tiêu là tìm ra những tên gọi phù hợp và tôn vinh giá trị ngôn ngữ, văn hóa hoặc đặc điểm tự nhiên của các quốc gia khác nhau trên thế giới cho 20 ngoại hành tinh đầu tiên mà Webb đã quan sát được.
"Chưa từng có bất cứ tên một thiên thể nào được đặt tên chính thức theo những tên riêng hoặc danh từ trong tiếng Việt. Việc tham gia cuộc thi của IAU sẽ góp phần đưa cái tên đầu tiên bằng tiếng Việt lên bầu trời.
VACA đang tổ chức việc chọn tên gọi chính thức cho một trong số 20 ngoại hành tinh đầu tiên mà James Webb đã phát hiện trong lượt quan sát đầu tiên của nó. Nhóm của VACA bao gồm các nhà nghiên cứu về vật lý, thiên văn, khoa học xã hội, chuyên gia ngôn ngữ, dịch giả, sinh viên các ngành tự nhiên, ... đã cùng lên kế hoạch tổ chức giới thiệu hoạt động tới cộng đồng và chọn ra những ứng viên tiềm năng để đề xuất với IAU", ông Tuấn Sơn chia sẻ.
Ba cái tên đang được VACA đề xuất là Saola, GiaoLong và BachMa.