Câu chuyện học sinh đạt điểm tối đa 3 môn thi (30 điểm) nhưng vẫn trượt đại học đang trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn gần tuần nay. Người cho rằng, đây là bất thường. Rồi cóngười nói hết sức bình thường, đổ lỗi cho thí sinh chưa biết chọn trường, hoặc quá tự tin để không chọn nhiều nguyện vọng.
Cách ra đề có vấn đề?
Nhớ lại 30 năm về trước, ngày ấy chúng tôi thi đại học, thí sinh khối C chỉ cần đạt 12 điểm trở lên đã đỗ đại học và 17 điểm được đi du học. Học sinh thời này, chỉ duy nhất một nguyện vọng dự thi nên khi chọn trường ai cũng cân nhắc kỹ lưỡng.
Ít năm sau, thang điểm đạt được trong các kỳ thi đại học của học sinh cao hơn, nhưng điểm chuẩn nhiều trường cũng không vượt quá điểm 20.
Đỗ đại học thời ấy khá ít, có năm cả trường trung học chỉ vài ba em đỗ đã là cao. Có trường cũng không em nào được vinh dự ấy. Vì thế, những học sinh đỗ đại học là những người thật sự giỏi, xuất sắc ở lớp, ở trường và thầy cô giáo nào cũng biết em đó là ai.
Hiện con đường vào giảng đường đại học thênh thang rộng mở hơn. Chưa hẳn học sinh bây giờ giỏi hơn ngày trước mà vì nhiều cơ hội mở ra cho các em. Đó là việc được đăng ký một lúc nhiều nguyện vọng vào các trường, không đỗ trường này cũng cơ hội đỗ trường khác.
Đó là việc học sinh không còn thi tự luận (trừ môn Ngữ văn có một phần) mà chuyển sang thi trắc nghiệm. Hình thức thi này cho thấy sự hên xui, may rủi. Cùng với đó, cách ra đề “mưa” điểm 9, 10 cũng phản ánh việc ra đề chưa có độ phân hóa cao, nhiều học sinh chưa thật sự giỏi vẫn có thể chạm đến mức điểm đó.
Bởi thế mới xảy ra chuyện hết sức vô lý khi nhiều em đạt điểm rất cao thậm chí điểm tối đa 30 điểm vẫn không thể đỗ.
Theo thống kê, 61 thí sinh cả nước đạt tổng 29,5 điểm xét tuyển trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào. Trong đó, 60 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất, một em đặt hai nguyện vọng.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh họa)
Điểm cộng tạo ra sự bất công
Trường lấy điểm chuẩn trên 30 như Học viện Chính trị Công an nhân dân là 30,34; ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy 30,5 điểm. Sở dĩ số điểm này là do học sinh được cộng điểm ưu tiên. Theo quy định, điểm cộng ưu tiên hiện nay từ 0,5 đến 2,75. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc xét tuyển và thật sự không công bằng với những học sinh học giỏi hơn mà không có điểm ưu tiên.
Vì thế mà có thí sinh sốc khi đạt 29,25 điểm vẫn trượt Đại học Y Hà Nội như một thí sinh ở huyện Thạch Thất, Hà Nội thiếu 0,05 điểm. Thí sinh này bức xúc: "Em đạt 29,15 điểm, không cộng điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn thấp hơn em vài điểm nhưng được cộng điểm ưu tiên thành ra lại đỗ".
Trong thực tế, một học sinh thi được 29,15 điểm và một học sinh được 25.75 lực học rất khác nhau. Nhưng em thi đỗ lại nhờ đến 3,5 điểm ưu tiên, em đạt điểm cao hơn lại bị trượt. Đỗ vào một trường đại học danh giá, rất cần năng lực giỏi, ai giỏi hơn người đó sẽ chiến thắng mới thật sự xứng đáng. Thế nhưng việc quy định cộng điểm ưu tiên (mà cộng quá nhiều) sẽ tạo ra yếu tố may rủi thì thật không công bằng cho nhiều học sinh giỏi hiện nay.
Nên chăng cần bỏ hẳn điểm ưu tiên vì hiện nay việc học tập giữa các vùng miền trong cả nước cũng không chênh lệch nhau quá nhiều. Một học sinh miền núi cũng có thể đăng ký học với thầy giáo giỏi ở thủ đô và chuyện này diễn ra nhiều năm nay.
Với học sinh thuộc diện cộng điểm ưu tiên khác như gia đình có công với cách mạng có thể đề xuất nhà nước cấp cho các em suất học bổng hay miễn giảm tiền đóng học phí. Trên đường đua tri thức không nên có bất cứ sự ưu tiên nào, vì như thế vô tình người tài hơn sẽ không được lựa chọn.