Theo Bộ GD&ĐT, năm nay cả nước có 61 thí sinh đạt tổng 29,5 điểm xét tuyển trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào. Trong đó, 60 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất, một em đặt hai nguyện vọng. Việc đặt quá ít nguyện vọng khiến các em không có nhiều cơ hội xét tuyển dù tổng điểm cao.
Số thí sinh đạt từ 29,5 điểm nhưng không đỗ nguyện vọng nào ở từng trường như sau:
Theo thống kế, Học viện Chính trị Công an nhân dân có 50 thí sinh 29,5 điểm trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào. Nguyên nhân, điểm chuẩn vào trường cao nhất là 30,34. Trường chỉ lấy 50 chỉ tiêu nhưng 800 thí sinh đăng ký.
Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) hai ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao (30,5 điểm) và Lịch sử chất lượng cao (29,75 điểm) điểm trên mức 29,5. Mỗi ngành chỉ tuyển 15 sinh viên và có chế độ ưu đãi đặc biệt của tỉnh. Chỉ tiêu ít, số thí sinh đăng ký nhiều, khiến điểm xét tuyển đẩy lên cao.
Ngoại trừ các ngành học thuộc khối trường công an, quân đội do cách tính điểm xét tuyển đặc thù, cả nước với 5 ngành học lấy điểm chuẩn từ 29,5 trở lên. Ngoài hai ngành của Đại học Hồng Đức, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội có 2 ngành, gồm Đông Phương học (29,8 điểm khối C00) và Hàn Quốc học (30 điểm khối C00); Đại học Ngoại thương 1 ngành là Ngôn ngữ Trung Quốc (39,35/40, tiếng Trung hệ số 2).
Các ngành này thí sinh đạt 29,5 trở lên nhưng vẫn trượt. Tuy nhiên, những em này trúng tuyển nguyện vọng khác. Tổng số thí sinh trúng nguyện vọng khác là 69.
Vừa qua, hơn 200 đại học công bố điểm chuẩn theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Đáng chú ý, năm nay, nhiều ngành, trường tăng từ 8 đến 11 điểm so với năm ngoái.
Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định ba nguyên nhân chính dẫn đến điểm chuẩn tăng độ biến.
Thứ nhất, năm nay hơn 1,2 triệu học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng 11% so với 900.000 em của năm ngoái. Trong đó, gần 800.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, tăng hơn 152.000, tương đương 24%. Việc tăng số lượng thí sinh xét tuyển đại học trong nước có thể vì nhiều gia đình và bản thân các em thay đổi quyết định du học trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Trong khi số thí sinh xét tuyển tăng, chỉ tiêu tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT của các đại học tương đối ổn định. Thí sinh không trúng tuyển ở các đại học top trên đổ về top giữa nên một số ngành tại nhóm trường này tăng vọt. Đây là lý do quan trọng nhất khiến điểm chuẩn tăng.
Thứ hai là sự dịch chuyển trong xu hướng chọn ngành. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 265 ngành tăng điểm chuẩn từ 5 trở lên so với năm ngoái, trong đó nhóm Kỹ thuật - Công nghệ 70 ngành, Sư phạm 64, Kinh doanh và Quản lý 42, Xã hội và Nhân văn 32, Pháp luật 10. Điều này cho thấy bên cạnh việc chọn trường yêu thích, thí sinh dần có xu hướng chọn ngành, khiến điểm chuẩn tăng cao nhưng chỉ tập trung tại một số nhóm.
Thứ ba, điểm thi tốt nghiệp tác động đến điểm chuẩn đại học. Năm nay, khi phân tích phổ điểm từng môn và tổ hợp môn, tiếng Anh tăng khá mạnh (điểm trung bình tiếng Anh tăng 1,26 điểm so với năm ngoái). Điều này khiến điểm chuẩn các tổ hợp chứa tiếng Anh tăng theo.
Để khắc phục những hạn chế, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng phương án để trao quyền tự chủ cho các trường nhiều hơn, cho phép đại học phối hợp tổ chức các kỳ tuyển sinh riêng bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.