Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) vừa công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023.
Từ gần 500 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó gần 25% là các doanh nghiệp mới tham gia lần đầu tiên, ban tổ chức đã lựa chọn 146 hồ sơ đạt yêu cầu để Hội đồng đánh giá chấm điểm độc lập trên phần mềm trực tuyến.
Quy trình được thẩm định chặt chẽ, minh bạch trước khi trình ban chỉ đạo quyết định 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu nhất.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI trao giấy chứng nhận cho đại diện các doanh nghiệp bền vững 2023.
Trong Top 100, Ban tổ chức trao giải đặc biệt cho 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất.
Top 10 các doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ đã tạo việc làm cho hơn 64 nghìn lao động, tổng doanh thu đạt gần 256 nghìn tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 12 nghìn tỷ đồng, đóng góp cho xã hội gần 500 tỷ đồng.
Đó là các doanh nghiệp: Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ; Công ty TNHH SPS Việt Nam; Công ty TNHH Aeon Việt Nam; Tập đoàn Bảo Việt; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Công ty cổ phần cảng Đà Nẵng; Tập đoàn BRG- Công ty CP; Công ty cổ phần DVHK sân bay Tân Sơn Nhất; Công ty TNHH MTV Herbalife; Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa.
Top 10 doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực sản xuất tạo việc làm cho hơn 63 nghìn lao động (chưa bao gồm chuỗi cung ứng liên quan), tạo doanh thu gần 180 nghìn tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 45 nghìn tỷ đồng, đóng góp cho xã hội hơn 160 tỷ đồng.
Đó là: Công ty TNHH Nestlei Việt Nam; Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam; Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam;Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta; Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam; Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng; Công ty cổ phần Traphaco; Công ty cổ phần Secoin; Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam.
Cùng với đó, ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho 80 doanh nghiệp bền vững khác. Những đơn vị này cũng có những đóng góp tích cực trong tạo việc làm cho hàng triệu lao động, doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) 2023, sự ổn định và tăng trưởng bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp được vinh danh là minh chứng đúng đắn khi họ đã dấn thân, tiên phong áp dụng các tiêu chí bền vững trên cả 3 phương diện môi trường, xã hội, quản trị (ESG) cho chiến lược kinh doanh dài hạn.
Các doanh nghiệp bền vững năm 2023 được vinh danh.
Còn theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được Bộ Chính trị ban hành vào tháng 10 vừa qua đã nhấn mạnh, quan tâm hơn đến các tiêu chí đánh giá sự lớn mạnh về chất lượng của đội ngũ doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường.
Đây chính là các tiêu chí thể hiện sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, được cụ thể hóa trong Bộ chỉ số CSI mà VCCI xây dựng.
2023 là năm thứ 8 liên tiếp Chương trình CSI được VCCI chủ trì tổ chức theo sự chỉ đạo của Chính phủ, với sự phối hợp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và có thêm sự tham gia của Ban Kinh tế Trung ương trong Ban chỉ đạo Chương trình từ năm nay.