Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, sáng 30/10, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội đi thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10 đến ngày 1/11/2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra sân bay tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn.
Sáng 30/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 30/10 đến 1/11.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tiến hành ngay sau khi kết thúc Đại hội lần thứ XX của Đảng cộng sản Trung Quốc, đây là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc, được dư luận hai nước và quốc tế quan tâm, thể hiện sự coi trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với vị thế, vai trò quốc tế của Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra sân bay tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn.
Tham gia Đoàn cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Chánh văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và một số Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Trợ lý Tổng Bí thư và Đại sứ Việt Nam tại nước CHND Trung Hoa.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng nhiều vị lãnh đạo tháp tùng Tổng Bí thư trong chuyến thăm Trung Quốc lần này.
Thời gian qua, về tổng thể, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc luôn duy trì xu thế ổn định và tích cực. Lãnh đạo hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Hợp tác trên kênh Đảng, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng ở Trung ương. Dù điều kiện đi lại giữa hai bên còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng hai bên vẫn duy trì kênh trao đổi thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt hiệu quả cao.
Từ năm 2020-2022, Tổng Bí thư hai Đảng 4 lần điện đàm (1/2020, 9/2020, 2/2021, 9/2021); hằng năm, hai Tổng Bí thư gửi quà và thư chúc mừng nhân dịp Tết cổ truyền của hai dân tộc và nhân dịp sinh nhật của nhau; gửi thư chúc mừng nhân dịp lễ quan trọng của hai nước. Những hoạt động này góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và đảm bảo chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9/2021. Tổng Bí thư cảm ơn Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vaccine cho Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN).
Tại các sự kiện chính trị quan trọng của hai Đảng, đặc biệt là dịp Đại hội XIII của Đảng ta và dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2021), hai bên đều có những hình thức chúc mừng đặc biệt, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với quan hệ Việt - Trung.
Trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN (từ 2016), nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới (từ 2020) của Trung Quốc. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đạt 117,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Về đầu tư, lũy kế đến 20/8/2022, Trung Quốc đứng thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.453 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 22,42 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/94 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 143 dự án, tổng vốn đạt 1,4 tỷ USD.