Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Nhân dịp này, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai về quan hệ hai nước cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm.
Đại sứ Phạm Sao Mai trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh.
- Trước tiên, xin Đại sứ cho biết một số nét chính về tình hình tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian qua?
Tôi vui mừng nhận thấy, với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tích cực, đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Quan hệ chính trị, trao đổi, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Đặc biệt, sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1/2021), Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội hai nước lần lượt có các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến, đưa ra những định hướng lớn quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.
Hợp tác, giao lưu kênh Đảng, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, các địa phương biên giới và giao lưu nhân dân hai nước duy trì mật thiết. Hai bên tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (tháng 7/2022).
Hợp tác kinh tế, thương mại duy trì phát triển ổn định. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.
Theo thống kê của hải quan Việt Nam, kim ngạch hai chiều 9 tháng đầu năm 2022 đạt 132,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc có tiến triển mới, trong đó sầu riêng chính thức là loại quả thứ 10 được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 7/2022.
Về đầu tư, 9 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng thứ 4/97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký cấp mới đạt 1,5 tỷ USD. Lũy kế đến tháng 9/2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 22,438 tỷ USD. Vướng mắc trong các dự án đầu tư, hợp tác kinh tế từng bước được tháo gỡ.
Hợp tác phòng chống COVID-19 đạt nhiều kết quả thực chất. Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều nhất, đóng góp hiệu quả cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam. Giao lưu nhân dân từng bước được khôi phục, 9 tháng đầu năm 2022, có 78,1 nghìn lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về biên giới lãnh thổ, hai bên phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới, đạt được nhận thức chung về kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển phù hợp với Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đồng thời tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển, thực hiện hiệu quả DOC, thúc đẩy tiến trình tham vấn COC.
Ngoài ra, hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn đa phương, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn còn đối mặt một số khó khăn như thông quan hàng hóa tại cửa khẩu có lúc chưa thông suốt, các chuyến bay thẳng chưa được khôi phục bình thường… Mặc dù vậy, hai bên vẫn duy trì trao đổi thẳng thắn qua nhiều kênh nhằm tìm kiếm các biện pháp tháo gỡ những vấn đề trên.
- Vậy thưa Đại sứ, ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước là gì?
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới.
Đại sứ Phạm Sao Mai
Đây là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước ta tới Trung Quốc kể từ sau khi bùng phát đại dịch COVID-19, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là nhà Lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng Bí thư hai Đảng sau 5 năm (kể từ tháng 11/2017).
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực, nhiều chiều tới tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới.
- Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ hai nước trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp hiện nay? Hai nước cần làm gì để tiếp tục đẩy mạnh và khai thác tối đa tiềm năng hợp tác trong thời gian tới?
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng XHCN, đang đi sâu đổi mới, cải cách mở cửa. Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước do các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc.
Trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phù hợp lợi ích căn bản, lâu dài của hai bên, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ song phương, tôi cho rằng, thời gian tới, hai bên cần tăng cường giao lưu cấp cao và các cấp, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, cũng như các thỏa thuận song phương giữa các Bộ, ngành và địa phương hai nước; kịp thời cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và thành tựu hiện tại của quan hệ song phương, cùng với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với nền tảng hữu nghị, hợp tác vững chắc hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!