Điều này đã đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững.
Trung Quốc là một trong những quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ rất sớm. Trong 72 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Trải qua một vài biến cố thăng trầm của lịch sử, kể từ khi bình thường hóa năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới.
Việt Nam đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.
Dấu ấn xuất khẩu
Ngay từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5, cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/01/2022 đang mở ra những cơ hội mới cho các DN hai nước Việt Nam - Trung Quốc tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Các DN lớn của Trung Quốc đang chuyển dịch đầu tư, sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng các ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định là nhân tố góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển bền vững. Đồng thời, RCEP giúp DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 132,38 tỉ USD, tăng 10,21% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 132,38 tỉ USD, tăng 10,21% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với việc hai bên xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương đã kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững.
Ngoài sự tương đồng về văn hóa, thói quen tiêu dùng… thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc những năm qua có sự phát triển vượt bậc là nhờ ưu thế vị trí địa lý. Bên cạnh đó, Trung Quốc với quy mô dân số lớn nhất thế giới và hiện có trên 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn và là thị trường xuất khẩu hấp dẫn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam với đa chủng loại mặt hàng có thế mạnh.
Sầu riêng là 1 trong hàng chục mặt hàng nông sản của Việt Namxuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc
Điểm sáng trong thu hút đầu tư
Về đầu tư, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp của Trung Quốc. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 10/2022, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam với tổng số vốn lên tới 804,4 triệu USD, chiếm 8,1%. Các dự án đầu tư của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam, chủ yếu tập trung tại các tỉnh biên giới có khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Trung Quốc còn rót nguồn vốn đầu tư vào liên doanh liên kết, góp vốn bằng tiền hoặc công nghệ, máy móc ở trong các doanh nghiệp Việt Nam trong đủ mọi lĩnh vực. Các dòng vốn của Trung Quốc đổ vào nhiều lĩnh vực, điển hình như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản...
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại Việt Nam sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc.
Trong lĩnh vực điện và năng lượng, một số dự án lớn mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tại Việt Nam như Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trị giá 1,75 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận; Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 có mức đầu tư 2,187 tỷ USD tại tỉnh Hà Tĩnh và Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 trị giá 2 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều dự án tại các khu công nghiệp như Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Tại kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra ngày 25/10 mới đây giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc, hai bên đã nhất trí đánh giá, mặc dù đại dịch COVID-19 và nhiều biến động địa - chính trị trên thế giới đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.
Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương.
Nâng quan hệ kinh tế - thương mại song phương lên tầm cao mới
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Phi khẳng định, Bộ Thương mại Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam, đồng thời đánh giá cao những thành quả hai bên đã đạt được trong thời gian vừa qua. Bộ Thương mại Trung Quốc đã đề xuất một số phương hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quy mô thương mại song phương như khuyến khích DN Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng tại Trung Quốc như Hội chợ triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN, tăng cường hợp tác đảm bảo thuận lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới...
Đồng thời, phía Trung Quốc cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phòng vệ thương mại, thương mại điện tử; trao đổi ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Trung - Việt; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đa phương; thúc đẩy giải quyết một số vướng mắc trong hợp tác thương mại, công nghiệp song phương…
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đánh giá cao vai trò của Ủy ban Hợp tác Kinh tế thương mại Việt - Trung và Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung trong việc thúc đẩy và tháo gỡ kịp thời khó khăn trong thương mại song phương, đặc biệt là giải tỏa tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới thời gian qua.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra một số đề xuất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn và khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới; tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải đường sắt giữa hai nước và hoạt động quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thủy sản Việt Nam; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường hợp tác về quản lý thị trường.
Phản hồi các đề xuất của phía Việt Nam, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc coi trọng các đề xuất của Việt Nam và đang phối hợp với cơ quan liên quan Việt Nam hoàn tất đàm phán Nghị định thư mở cửa thị trường Trung Quốc đối với khoai lang, tổ yến của Việt Nam trong thời gian tới; mong muốn mở rộng nhập khẩu các loại nông sản chất lượng cao từ Việt Nam. Phía Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh, sẵn sàng phối hợp bảo đảm duy trì thông suốt, tránh gián đoạn và nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới với phía Việt Nam.
Tính đến hết tháng 10/2022, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam với tổng số vốn lên tới 804,4 triệu USD, chiếm 8,1%. (Ảnh minh họa: KT)
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa Lý Khắc Cường ngày 19/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên tích cực phối hợp để đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng. Đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi về thông quan, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam; khôi phục toàn diện hoạt động tại các cặp cửa khẩu biên giới và nâng cao năng lực thông quan; phối hợp triển khai, tận dụng tốt cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do đa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; tích cực trao đổi, giải quyết vấn đề tồn đọng tại một số dự án hợp tác giữa hai nước; sớm mở thêm các chuyến bay thương mại giữa hai nước; nâng tầm hợp tác, ứng phó có hiệu quả với các thách thức mới nổi lên, cùng nhau hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.