Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng: Học trực tuyến không thể kéo dài

(VTC News) -

Thủ tướng cho rằng, việc học trực tuyến không thể kéo dài, yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế xây dựng kế hoạch để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Video: Thủ tướng  trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Sáng 12/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Về vấn đề dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng cho biết, đại dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục.

Mặc dù ngành giáo dục cùng cả nước có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, đa dạng hóa các phương thức dạy và học, nhưng việc nghỉ học và học trực tuyến dài ngày ở nhiều địa phương ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh, giáo viên, gia đình và chất lượng giáo dục.

"Chính phủ xin chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, các em học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua. Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vaccine cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu", Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021. (Ảnh VGP)

Đồng tình với ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết thêm, với quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh, Chính phủ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục.

Các cơ sở giáo dục cần đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình. Chính phủ yêu cầu huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, đặc biệt là vùng khó khăn.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục, đào tạo gặp khó khăn do dịch bệnh và rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với giáo viên mầm non và giáo viên ngoài công lập.

Quang Tuyền - Xuân Trường

Tin mới