Video: Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải việc nhiều học sinh 27 điểm vẫn trượt đại học
Sáng 11/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến nhóm vấn đề giáo dục và đào tạo.
Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) nêu tình trạng những năm gần đây, tình trạng nhiều học sinh tốt nghiệp THPT với số điểm cao, có những em điểm trung bình 9 điểm/môn nhưng vẫn trượt đại học.
Bà Ánh cho rằng sở dĩ có tình trạng như vậy là do cơ chế các trường đại học tự chủ xây dựng chỉ tiêu và xác định phương thức tuyển sinh. Nữ đại biểu đặt câu hỏi: "Theo Bộ trưởng như vậy có đúng không? Có giải pháp gì giải quyết tình trạng này?".
Bên cạnh đó, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh cũng nêu vấn đề học trực tuyến nhưng vẫn dùng chương trình trực tiếp, đề nghị Bộ trưởng làm rõ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm vừa qua có hiện tượng một số học sinh điểm cao nhưng không đỗ nguyện vọng nào. Cụ thể có 165 học sinh đạt điểm từ 27 điểm trở lên nhưng không đỗ đại học.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây là những học sinh chủ yếu đăng ký một nguyện vọng và chủ yếu vào các trường Công an và trường Quân đội.
Ngoài ra, theo ông Sơn, còn nguyên nhân khác đó là nhiều trường đặt ra nhiều cách xét tuyển. Cách xét tuyển dành cho các nhóm chỉ tiêu ít, do đó cũng ảnh hưởng tới việc xét tuyển.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho rằng còn một vài điểm cần điều chỉnh trong chỉ đạo các phương án xét tuyển của các trường đại học trong năm tới. Việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học theo luật quy định. Nhưng các quyền đó cũng phải nằm trong các chế tài cho phép các quy định.
“Bộ cho rằng, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học. Điều này vừa gây phức tạp cho xã hội, thí sinh khó theo dõi và rủi ro cho người đăng ký. Bộ sẽ lưu ý về việc này”, ông Sơn nói.
Về câu hỏi liên quan đến vấn đề học trực tuyến nhưng vẫn dùng chương trình trực tiếp, ông Sơn cho biết không bê nguyên từ giáo án bình thường vào giảng dạy.
Bộ đã ra văn bản 4040 về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giảm phục vụ việc học trực tuyến. Về việc tinh giản chương trình, các năm 2019, 2020, Bộ GD&ĐT đã 2 lần tinh giản chương trình để phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Năm học 2021-2022 đã thêm một lần nữa rà soát nhưng được xác định có tính chất cốt lõi chứ không phải chỉ rút gọn. Đối với các địa phương đang học trực tiếp sẽ dạy trước các nội dung đúng theo chương trình cốt lõi. Nếu vẫn tiếp tục an toàn sẽ quay lại củng cố và mở rộng nội dung.
Theo ông Sơn, với những nơi dạy trực tuyến sẽ bám theo chương trình cốt lõi, nếu được trở lại trường học sẽ học mở rộng thêm. Các nội dung kiểm tra, đánh giá sẽ dựa trên chương trình cốt lõi này, không phải bê nguyên chương trình như cũ vào dạy trực tuyến.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng trong điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, những vùng miền phải tiếp tục dạy học trực tiếp cần củng cố, tăng cường hạ tầng, công nghệ thông tin, trang thiết bị. Các bài giảng truyền hình cần tiếp tục thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo thực hiện đúng các thông tư hướng dẫn của Bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung, chương trình giảng dạy. Từ đó, ông Sơn cho rằng cần tăng cường hỗ trợ tâm lý, tư vấn sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp tình hình.