Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Doanh nghiệp mua thanh long giá 12.000 đồng/kg là quá biết ơn'

(VTC News) -

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong lúc tình hình nông sản đang căng thẳng, việc doanh nghiệp trong nước đồng ý thu mua thanh long giúp người dân với giá 12.000 đồng/kg là quá biết ơn và nên trân trọng.

Trưa 11/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có mặt tại tỉnh Long An. Tại đây, Bộ trưởng tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản và tất cả người dân trồng thanh long để ghi nhận những khó khăn trong lúc tình hình nông sản đang căng thẳng và tìm hướng giải quyết.

Ghé thăm Công ty Cổ phần Hồng Nguyên Long (Tập đoàn Lavifood), Bộ trưởng có nhiều lời khen khi thưởng thức thanh long tại đây.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm Công ty cổ phần Hồng Nguyên Long (Tập đoàn Lavifood).

"Long An là nơi trồng thanh long ngon nhất nước ta. Không chỉ vì địa chất mà do con người ở đây cũng rất đặc biệt, người dân trồng thanh long tại đây hầu hết đều là những người tri thức, họ đầu tư tâm huyết, công sức và tiền của rất nhiều", Bộ trưởng Cường cho hay.

Khi hỏi tình hình thu mua thanh long và được biết các doanh nghiệp tại đây đang đồng loạt mua hỗ trợ người dân với giá 12.000 đồng/kg (loại 1 lên tới 15.000 đồng/kg), Bộ trưởng khẳng định: "Nếu thu mua với giá 12.000 đồng/kg là người dân sẽ không bị lỗ vốn nữa. Thời điểm này không mong lãi nhiều, không lỗ là may mắn rồi. Việc doanh nghiệp trong nước thu mua giúp người dân với giá 12.000 đồng/kg là quá biết ơn và nên trân trọng".

Nhà máy chế biến nước ép của Lavifood.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng động viên các doanh nghiệp tiếp tục chung tay hỗ trợ người dân. Đồng thời, ông hứa sẽ tham mưu với Chính phủ để có phương án hỗ trợ danh nghiệp nhiều hơn nữa.

Được biết, hiện lượng thanh long dồn ứ tại Long An không còn nhiều và đã được các doanh nghiệp thu mua gần hết. Các doanh nghiệp đi đầu trong việc giải cứu này là: Công ty Cổ phần Lavifood, Công ty TNHH Nông sản Rạng Đông, Công ty Cổ phần thương mại TMS Trading, Công ty Cổ phần Thủy Hoàng...

Quy trình chế biến nước ép trái cây tại Lavifood.

Sau khi thu mua, các doanh nghiệp sẽ dùng để sản xuất thực phẩm khô, nước ép đóng chai. Còn lại sẽ được các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu sang các tỉnh khác của Trung Quốc bằng đường biển (chậm hơn đường bộ hai ngày).

Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong việc nông sản Việt tự "tìm đường" vượt khó, không còn "bấu víu" hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.

Thy Huệ

Tin mới