Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thiếu tướng Đào Thanh Hải kể chuyện hóa giải sức ép 'viên đạn bọc đường'

(VTC News) -

Trong cuộc trò chuyện với VTC News, Thiếu tướng Đào Thanh Hải chia sẻ những câu chuyện về nghề và cách ông và các đồng đội hóa giải sức ép 'viên đạn bọc đường'.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải kể kỷ niệm về Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội.

Từ khi được thành lập đến nay, "số 7 Thiền Quang" (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trở thành "thương hiệu" khiến tội phạm phải e dè, khiếp sợ. Thiếu tướng Đào Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội từng là người "cầm quân", trực tiếp phá nhiều vụ án rúng động khi giữ cương vị Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) chia sẻ với VTC News về những kỷ niệm khi công tác tại đây.

- Nhiều năm nay, khi nhắc đến "số 7 Thiền Quang", tội phạm cảm thấy khiếp sợ, còn người dân thì luôn có tình cảm kính nể, thậm chí là biết ơn, tin tưởng. Xin Thiếu tướng cho biết nguồn gốc "thương hiệu" này?

Người dân Thủ đô và người dân một số tỉnh thành khi về Hà Nội hoặc có mối quan hệ với Hà Nội đều biết đến số 7 Thiền Quang, thậm chí kể cả những người nước ngoài tới du lịch, học tập, làm việc ở Thủ đô.

Niềm tin của người dân đối với nhà số 7 phố Thiền Quang có lẽ là cả một quá trình. Năm 1954, Công an TP Hà Nội thành lập Phòng Trị an dân cảnh và đội "hình cảnh" được thành lập, là tiền thân của Phòng CSHS ngày nay.

Qua một thời gian rất dài, đây là đơn vị có nhiệm vụ làm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự trên địa bàn Thủ đô. Trong những năm qua, với bề dày chiến công, thành tích, và trong quá trình chiến đấu, rèn luyện, trưởng thành, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội - số 7 Thiền Quang đã đạt được nhiều thành tích to lớn, đáng tự hào.

Đây là cơ quan điều tra trọng án và đấu tranh chống tội phạm có tổ chức hiệu quả nhất của lực lượng công an toàn quốc, như lời đánh giá của Thiếu tướng Phạm Chuyên (nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội): Nhà số 7 là thương hiệu niềm tin của người dân Thủ đô, bởi đây là nơi bảo vệ dân lành, trừng trị thích đáng cái ác.

Trong quá trình công tác của tôi, thời gian dài nhất là ở đây, với hơn 32 năm. Và hơn 40 năm công tác tại ngành công an thì thời gian công tác tại Phòng CSHS Công an TP Hà Nội để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải trả lời phỏng vấn VTC News. (Ảnh: Ngô Nhung)

- Thưa Thiếu tướng, để có những chiến công vang dội thì chắc chắn các trinh sát ở số 7 Thiền Quang có nhiều sự hy sinh, vất vả?

Trong công an nhân dân thì lực lượng nào cũng vất vả, mỗi lực lượng đều có nỗi khổ, vất vả riêng, mỗi lực lượng đều có niềm tự hào riêng. Thế nhưng, tôi thấy rằng CSHS là lực lượng rất vất vả và đòi hỏi mỗi một cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh, có sự dũng cảm, chuyên sâu trong công tác nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức tốt thì mới có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ mà cấp trên giao cho.

Cán bộ CSHS gần như không có thời gian rảnh rỗi. Những lực lượng khác sau khi hoàn thành nhiệm vụ có thể nghỉ ngơi để tái tạo lại sức lao động hoặc có thời gian để chăm sóc gia đình, còn lực lượng hình sự thì thời gian làm việc triền miên.

Chính vì vậy, CSHS gần như không có thời gian, điều kiện chăm sóc bố mẹ, vợ con, hay hướng dẫn con cái học hành.

Trong thực tế, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải xin chuyển sang lực lượng khác vì tình cảm vợ chồng sứt mẻ, con cái học hành kém, hư hỏng…

Và chúng tôi, trong quá trình công tác tại Phòng CSHS, không bao giờ dám rời khỏi thành phố là vì lãnh đạo gọi bất cứ lúc nào đều phải có mặt. Tức là luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, ngày cũng như đêm.

Thời tôi làm trưởng phòng CSHS, hầu như đêm nào cũng có điện thoại của các đơn vị gọi báo cáo xin ý kiến hoặc người dân gọi điện trình báo, tố giác tội phạm. Thậm chí có đêm quận, huyện gọi điện báo xảy ra tới 4 vụ giết người. Bởi vậy, số đêm không có điện thoại liên quan đến công việc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Đối với CSHS, việc được nghỉ ngơi vài ngày là điều hết sức xa xỉ, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ nhiều năm không biết ngày nghỉ phép là gì.

Bản thân tôi khi còn ở vị trí trưởng phòng, phó phòng phụ trách điều tra trọng án, anh Trần Ngọc Hà (lúc đó là đội trưởng Đội Điều tra trọng án, nay là Trung tướng, Cục trưởng C02), hai anh em chỉ ước ao được một ngày tắt máy điện thoại, ngủ một giấc thật thoải mái, bình yên mà chưa từng thực hiện được.

Quá trình công tác còn đòi hỏi CSHS phải cố gắng rất lớn. Nếu như không cố gắng tu dưỡng, rèn luyện, không trau dồi phẩm chất đạo đức cũng như bản lĩnh nghề nghiệp thì sớm bị đào thải và không thể công tác trong lực lượng này.

Ngoài ra, sự sự khốc liệt của lực lượng hình sự cũng rất là cao, mang tính chất triền miên. Ngoài những khó khăn đối với bản thân thì gia đình, vợ con của trinh sát hình sự là những người mà các đối tượng xấu nhắm đến. Do đó đây cũng là sự vất vả, dũng cảm của các trinh sát công tác trong lực lượng này.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói, cán bộ chiến sĩ công an phải bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ và lực lượng hình sự đã thể hiện rõ được những phẩm chất đó.

- Đã bao giờ người thân trong gia đình Thiếu tướng bị gây sức ép, đe doạ chưa?

Bản thân tôi và gia đình chưa bị rơi vào hoàn cảnh đó. Thế nhưng một số cán bộ của chúng tôi, nhiều khi có vụ án liên quan bà con, họ mạc, anh em cũng bị tác động, sức ép rất lớn từ phía gia đình, dòng họ. Anh em đều báo cáo lại. Tất cả những việc đấy chúng tôi đều có cách giải thích, gặp gỡ hoá giải, để mọi người hiểu, thông cảm được.

Quá trình làm án mà liên quan đến gia đình, bà con, họ hàng thì đấy là một trong những sức ép lớn, mà sức ép tình cảm thì rất nặng nề. Nếu như không có bản lĩnh, không có sự rèn luyện dễ dẫn đến việc sai lệch.

Trong quá trình công tác, vẫn có vụ việc, hiện tượng chẳng hạn như chúng tôi đi bắt giữ, xử lý có những lời tuyên bố mang tính chất rung doạ lực lượng. Anh em chúng tôi nghe và cảnh giác thôi chứ chưa đến mức lo sợ. 

Tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ Phòng CSHS vẫn thường bảo ban nhau, cần chú ý, quan tâm đến vợ con, nếu thấy hiện tượng không bình thường thì phải báo cáo với lãnh đạo, chỉ huy để có biện pháp kịp thời.

- Công tác đảm bảo an ninh trật tự rất phức tạp và xã hội đủ các mối quan hệ, nhóm lợi ích. Những người giữ vị trí trọng yếu, cấp cao như ông không thể tránh khỏi được sức ép mà người ta gọi là "viên đạn bọc đường", thời ông cầm quân ở số 7 Thiền Quang, ông xử lý "viên đạn bọc đường" thế nào?

Bất cứ thời điểm nào hiện tượng đó đều có cả. Trong thời gian tôi công tác ngày xưa, thông qua nhiều con đường, nhiều nguồn, ví dụ như bạn bè, đồng đội, cấp trên chỉ đạo, thậm chí đối tượng trực tiếp đặt vấn đề.

Trước hết, người dân, hoặc anh em, bạn bè nhiều khi họ nhận thức không hết được, người ta cứ nghĩ rằng làm công an có thể làm thay đổi được bản chất của vấn đề nhưng không phải như vậy, luật pháp rất chặt chẽ. Ngoài Luật Hình sự còn Luật Tố tụng hình sự, điều tiết toàn bộ quá trình hoạt động của cơ quan điều tra, anh không thể đi ra ngoài luồng lạch đó được, anh làm khác đi một chút là vụ án sai lệch, anh sẽ bị xử lý trước pháp luật. Đó là sự trả giá rất lớn, bằng cả danh dự, nghề nghiệp, gia đình, dòng họ mình.

Gặp phải những trường hợp "viên kẹo bọc đường" như vậy, chúng tôi phải có cách nhắc nhở, phân tích, giải thích để người ta hiểu được và xử lý làm sao nhân văn nhất.  

 

- Lực lượng hình sự gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và thậm chí cả hy sinh. Thế nhưng điều gì đã khiến ông lựa chọn lĩnh vực này và gắn bó lâu đến vậy?

Có lẽ là việc tìm người thì cũng hơn. Năm 1979, tôi tốt nghiệp PTTH. Khi đó, gia đình tôi có truyền thống trong lực lượng công an, thứ hai là tôi đam mê nghề điều tra, thế nên tôi có ước mơ làm trinh sát hình sự.

Quá trình học và công tác trong lực lượng hình sự quả thật rất vất vả. Thế nhưng vì đam mê nên tôi quyết tâm công tác lâu dài trong lực lượng hình sự.

Tôi công tác tại Phòng CSHS Công an TP Hà Nội từ năm 1981, đến 1988 thì tôi được chọn cử đi du học.

Sau khi học về, rất nhiều đồng nghiệp đã chuyển sang lực lượng khác và rất nhiều người khuyên tôi nên chuyển sang lực lượng khác để thay đổi môi trường và có cơ hội mới. Lúc đấy tôi đã ngoài 30 tuổi rồi. Nhưng tôi vẫn xin về Phòng CSHS bởi đây là địa chỉ mà tôi cảm thấy chỉ có ở đây tôi có thể làm việc và phát huy được hết năng lực của mình.

- Tôi được biết nhà Thiếu tướng ở cách không xa số 7 Thiền Quang nhưng thời gian công tác ở đây, nhiều ngày ông không thể về nhà?

Thời kỳ tôi công tác tại Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, từ nhà tôi tới đơn vị chỉ mất 5 phút đi xe máy nhưng tôi triền miên không về nhà.

Mặc dù cơ quan, đơn vị cách nhà không xa, thế nhưng công việc cuốn theo ngày này sang ngày khác, theo một tập thể cùng nhau chiến đấu, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

 

-Số 7 Thiền Quang hiện là địa chỉ lừng danh, vậy ông về đó trong bối cảnh như thế nào? Thời điểm bắt đầu là người cầm quân ở nhà số 7 Thiền Quang và bây giờ có gì khác nhau?

Năm 1981 khi tôi ra trường, được phân công công tác tại Phòng CSHS ở số 7 Thiền Quang. Lúc đó, Phòng CSHS chưa đến 100 người, là đơn vị có thương hiệu rất lớn, đặc biệt từng phá nhiều vụ án lớn như vụ Phạm Đăng Hùng gây án tại số 7 Phạm Đình Hổ và công an điều tra ra từ cái cúc áo. Đây là vụ án kinh điển, nổi tiếng thời đó. Ngoài ra còn nhiều vụ án khác.

Tôi về công tác tại đây là điều may mắn vì được làm việc tại đơn vị có thương hiệu trong công tác đấu tranh chống tội phạm, là một trong những lĩnh vực mà tôi cảm thấy yêu thích nhất, muốn được gắn bó nhất.

Đến nay, Phòng CSHS đã có 8 danh hiệu Anh hùng của tập thể và cá nhân. 

Tôi nhớ rất rõ, năm 2012, tôi làm trưởng phòng CSHS.  Năm đó xảy ra 111 vụ giết cướp và đến bây giờ chưa có năm nào vượt qua được con số đó. Có thể nói rằng năm đó trọng án xảy ra liên miên.

Bên cạnh đó, luật pháp của chúng ta chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội, khi súng tự chế ra đời thì trong quy định của pháp luật cũ súng tự chế không phải là vũ khí quân dụng. Do đó, các đối tượng lưu manh lợi dụng kẽ hở pháp luật, sử dụng súng tự chế một cách tràn lan.

Năm đó trên địa bàn TP Hà Nội gần như tuần nào cũng có tiếng súng nổ. Bởi một năm có 52 tuần thì chúng tôi thống kê có 56 vụ nổ súng. Chưa kể số súng là tang vật thu được khi khám xét các vụ án hoặc lực lượng 141 kiểm tra, bắt giữ. Đấy cũng là nguyên nhân năm đó tội phạm hình sự xảy ra rất nhiều.

Có những nhóm lưu manh chỉ vì va chạm nhau sẵn sàng kéo hàng chục đối tượng lên đường Láng - Hoà Lạc bắn nhau. Sau đó, 4 - 5 xe ô tô đuổi nhau bắn nhau trên đường. Những chiếc xe khi khám nghiệm hiện trường lỗ chỗ đầy vết đạn. Những vụ án như vậy đã gây ra bức xúc và sự lo lắng rất lớn đối với người dân Thủ đô.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải trò chuyện với phóng viên VTC News 

- Đã có khoảnh khắc nào khiến Thiếu tướng đối mặt những "đòn" cân não nhất, hay phải đưa ra quyết định khởi tố hay không, bắt hay không bắt?

Những trường hợp đó tôi gặp rất nhiều, trong quá trình điều tra anh em vẫn thường gọi là "án mờ", tức là quá trình thu thập, tài liệu chứng cứ có khó khăn. Nhiều vụ án khi đặt tất cả tài liệu lên bàn đang là 50-50, có thể đúng hoặc cũng có thể là không đúng. Do đó đòi hỏi cần có sự phân tích, đánh giá và sự nhạy bén nghề nghiệp để đưa ra quyết định.

Sinh mạng con người là quan trọng, điều tra để kết thúc một vụ án cũng rất quan trọng. Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể làm bừa, làm ẩu để giải quyết công việc của mình, sau này nhỡ không đúng thì sao? Việc oan sai là tuyệt đối cấm.

Rất nhiều vụ án đưa cán bộ điều tra vào tình thế 50-50, đòi hỏi cán bộ phải đủ bản lĩnh quyết định có bắt giữ hay không bắt giữ. Có thể nói những tình huống tương tự thường xuyên xảy ra, tháng nào cũng có.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Minh Tuệ - Xuân Thủy (Ảnh: Ngô Nhung. Thiết kế: Huy Mạnh, Hiểu Lam)

Tin mới